Chính trị

Tin tức

Nghĩ về trách nhiệm của cán bộ thôn, làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến trong hệ thống chính trị ở thôn, làng thì không thể không nhắc đến các chức danh quen thuộc bao gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, Bí thư chi đoàn… và các tổ, nhóm giúp việc như tổ hòa giải, dân quân, các câu lạc bộ, hội nhóm hoạt động theo nhu cầu phát sinh từ thực tiễn đời sống.

Mỗi cán bộ, nhóm, hội tùy theo nhiệm vụ phân công mà triển khai thực hiện giúp thôn, làng phát triển, ổn định về mọi mặt. Sự năng động, khéo léo, nhiệt tình của cán bộ trong cách tiếp cận, truyền đạt các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là thước đo, tiêu chí quan trọng, cơ bản để đánh giá trách nhiệm, khả năng của cán bộ cấp thôn, làng.

 

Các già làng, trưởng thôn trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng. Ảnh: T.N

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, có thể thấy chính sự vào cuộc có trách nhiệm của cán bộ thôn, làng trong tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện đã tạo nên hiệu ứng tốt, đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào khác. Trong số các xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các hạng mục cần đầu tư kinh phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, xóa nhà tạm, dột nát…, bên cạnh nguồn đầu tư của Nhà nước thì đều có sự tham gia đóng góp, ủng hộ tích cực của các hộ dân, bao gồm cả tiền mặt và ngày công lao động; nhiều hộ gia đình còn chủ động hiến hàng trăm mét vuông đất giúp nới rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền cho thanh-thiếu niên tập luyện thể thao; tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Tinh thần ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng xã hội ấy chính là nhờ một phần công sức tuyên truyền, vận động trực tiếp của cán bộ thôn, làng. Và trên hết, trong tất cả mọi việc, mỗi cán bộ thôn, làng cần nêu gương, thực hiện trước tiên để mỗi người dân thấy và làm theo. Chính vì vậy, công tác lựa chọn, giới thiệu, bầu cử cán bộ cấp thôn, làng giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng, không thể lơ là, giản đơn hay cảm tính.

Câu nói “Cán bộ nào, phong trào ấy” luôn đúng cho mọi hoàn cảnh, tình hình thực tế ở từng địa phương. Sự đổi thay, phát triển trong đời sống vật chất, tinh thần ở mỗi thôn, làng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc ít nhiều đều có sự chung tay góp sức của cán bộ thôn, làng. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn đó những vấn đề trăn trở xuất phát từ đội ngũ cán bộ thôn, làng như: trình độ học vấn còn thấp, trách nhiệm cộng đồng chưa cao, thiếu nhiệt tình, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công còn nhiều hạn chế nên còn xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc nhận nhiệm vụ nhưng không triển khai công việc, thậm chí còn “tranh giành” tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo để nhận chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vì vậy, để đáp ứng nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ thôn, làng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ thôn, làng để họ phát huy tối đa năng lực, sở trường, tận tâm với nhiệm vụ được giao; đồng thời quan tâm đề xuất các chính sách, thực hiện đầy đủ, thường xuyên chế độ phụ cấp cho đội ngũ này giúp họ an tâm thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội tại các thôn, làng, qua đó kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, tránh tạo “điểm nóng” về an ninh chính trị; giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với dân làng thông qua việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc hàng năm, duy trì tham gia sinh hoạt, giao lưu gặp gỡ với cán bộ, dân làng.

Ksor H’yuên

Có thể bạn quan tâm