Thời sự - Bình luận

Nghĩa đồng bào trong siêu bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngàn xưa đến nay, cứ mỗi lần thiên tai, địch họa xảy ra, tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại bừng sáng, soi rọi giá trị của từ “đồng bào”.
Nhiều gia đình ở Hà Nội rộng cửa đón người gặp khó khăn đến tránh bão.

Nhiều gia đình ở Hà Nội rộng cửa đón người gặp khó khăn đến tránh bão.

Sáng 7-9, khi cơn bão số 3 (Yagi) còn trên Vịnh Bắc bộ, cách xa bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… cả trăm kilômét thì ở TPHCM, trong cuộc họp bàn về ứng phó với tình hình mưa bão, ngoài việc yêu cầu theo sát diễn biến, dự báo các tình huống để kịp thời thông báo nhân dân sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM còn yêu cầu lên kế hoạch sẵn sàng chia sẻ với thủ đô Hà Nội và những địa phương có tâm bão đi qua.

Đấy không chỉ là việc tiên liệu để chia sẻ với bà con dựa trên những thông số dự báo về mức độ thiệt hại mà siêu bão sẽ gây ra, mà thêm một lần nữa nói lên tấm lòng của người dân thành phố mang tên Bác, của vùng đất phương Nam. Những lời kêu gọi hỗ trợ cho bà con các tỉnh phía Bắc bị bão số 3 tàn phá đã bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt trên không gian mạng.

Từ ngàn xưa đến nay, cứ mỗi lần thiên tai, địch họa xảy ra, tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại bừng sáng, soi rọi giá trị của từ “đồng bào”. Đồng bào là cùng một bào thai, cùng một bọc trăm trứng sinh ra, cùng một huyền thoại để tin yêu. Nhưng “cùng một bọc sinh ra” là huyền sử, còn lòng yêu thương trắc ẩn trong mỗi người dân luôn là câu chuyện có thật.

Mấy hôm nay, có rất nhiều clip lan tỏa trên các mạng xã hội hình ảnh thật trìu mến. Đó là hình ảnh hàng chục chiếc xe máy bị những cơn gió lốc mạnh không thể chạy được trên cầu Nhật Tân, những chiếc ô tô chạy cùng chiều tự động xếp thành một bức tường cản gió, “dìu” đoàn xe máy qua cầu an toàn.

Là clip một chiếc ô tô đã chạy vượt lên, nhưng rồi cài số lùi khi thấy bên đường có một người dân đang trơ vơ trước cơn gió lốc. Dù rất khó khăn để mở cửa xe vì gió mạnh, nhưng cuối cùng người dân kia cũng vào được ô tô để đưa đến một nơi an toàn hơn… Rất rất nhiều những hình ảnh làm ấm lòng biết bao người trong gió bão.

Không chỉ vậy, trước đó, đã có nhiều thông báo hỗ trợ chỗ ở, nơi trú, tránh bão cho người lao động ngoại tỉnh, người lỡ đường, vô gia cư hay các gia đình sống ở nơi thiếu an toàn. Nhiều khách sạn sẵn sàng mở rộng cửa để người dân vào tránh bão, thậm chí còn đến tận nơi đón người dân vào khách sạn an toàn tránh trú...

Tinh thần Việt chính là sức mạnh nội sinh của người Việt để vững vàng tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử. Tinh thần đó còn được nuôi dưỡng, vun bồi từ những cuộc chiến tranh vệ quốc, từ những trận thiên tai thách thức con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...”.

Với tinh thần ấy, chúng ta cũng hiểu rằng mỗi khi đất nước đối mặt với thiên tai, địch họa, tấm lòng người Việt lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ để đương đầu thách thức và vượt qua khó khăn.

Đất nước đã có hàng ngàn cơn bão đi qua, sẽ có hàng ngàn cơn bão sẽ đến trong mai sau, nhưng chắc chắn không cơn bão nào, dù là siêu bão, là cuồng phong, lại có thể mạnh hơn tình người của người Việt thương nhau.

Những nghĩa cử cao đẹp đã và đang diễn ra rất nhiều ở các khu vực bị bão hoành hành cũng như của người dân cả nước hướng về, thêm lần nữa minh chứng cho một điều: Tình người - luôn là điểm tựa vững chắc nhất để chúng ta vượt qua khó khăn.

Theo AN DU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm