Bạn đọc

Nghịch lý hàng ngàn hộ dân thiếu nước tưới bên hồ thủy lợi chờ... vùng tưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hồ thủy lợi Ia Mơr, ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có khoảng 180 triệu m3 nước nhưng chưa hoạt động hết công suất vì còn chờ chuyển đổi đất rừng thành vùng tưới. 

Hơn 20 năm nay, người dân ở vùng kinh tế mới ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp thiếu nước sản xuất trầm trọng nên lẩn quẩn đói nghèo. Ảnh: Phan Tuấn
Hơn 20 năm nay, người dân ở vùng kinh tế mới ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp thiếu nước sản xuất trầm trọng nên lẩn quẩn đói nghèo. Ảnh: Phan Tuấn
Cách đó chỉ 15km, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk có cả chục ngàn ha đất nông nghiệp thiếu nước sản xuất, nên hơn 4.200 người dân thuộc diện đói nghèo. Nếu được đầu tư kênh mương thủy lợi thì có thể mở ra một tương lai tương sáng cho hàng ngàn người dân xã Ia Rvê. 
Hồ thủy lợi “chờ” vùng tưới
Công trình thủy lợi Ia Mơr, ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3 nước với tổng mức đầu tư các giai đoạn lên tới 3.000 tỉ đồng.
Công trình hồ chứa nước la Mơr có quy mô lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định đời sống người dân khu vực biên giới.
Đến nay, Dự án Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bảo đảm đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347ha. Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 9.449ha (đạt 66%). Còn lại 4.898ha (trên địa bàn tỉnh Gia Lai) chưa được hình thành do chậm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư công trình hồ Ia Mơr, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và  đang làm việc với 2 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thêm các phương án đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Ia Rvê “bỏ hoang“, người dân chờ khi mùa mưa tới thì mới có thể gieo trồng các loại cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Ia Rvê “bỏ hoang“, người dân chờ khi mùa mưa tới thì mới có thể gieo trồng các loại cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Phương án đã có nhưng chưa được "chốt hạ"
Hiện nay, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp ngoài việc đã hình thành vùng tưới thì trong tương lai còn được dự kiến phát triển thành khu nông nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, đơn vị kinh tế 737 dự kiến sẽ chuyển về cho địa phương diện tích khoảng 8.700ha, còn người dân xã Ia Rvê đang canh tác khoảng 6.600ha...
Điều đáng nói, do chưa có hệ thống thủy lợi nên đất đai ở xã Ia Rvê thường xuyên phải bỏ hoang vì không có nước tưới cho các loại cây trồng.
Mọi hoạt động sản xuất chỉ chờ đến khi mưa xuống mới mong có sự hiệu quả. Do đó, đến năm 2021, toàn xã Ia Rvê vẫn còn trên 50% số hộ, với 4.235 người dân lẩn quẩn trong cảnh đói nghèo. 
Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho người dân vùng kinh tế mới xã Ia Rvê, các cấp ngành của tỉnh Đắk Lắk đã có những phương án đề xuất như kéo dài hệ thống kênh chính, kênh nhánh để mở rộng khu tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) về đến xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Trong đó, diện tích được hưởng lợi từ dự án này là khoảng 3.500ha.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, để làm được điều này, thì các cấp ngành phải đồng ý xây dựng hệ thống công trình chuyển nước (trạm bơm và hệ thống đường ống) lấy nước trực tiếp từ phía trái lòng hồ Ia Mơr để tưới cho cây trồng ở xã Ia Rvê.
Thế nhưng, thay vì đồng ý với phương án này thì các cơ quan chức năng đang "phân vân" giữa việc chờ tỉnh Gia Lai chuyển đổi đất rừng thành vùng tưới hay đầu tư tuyến kênh mới (khác với thiết kế ban đầu) cho người dân vùng kinh tế mới nghèo khó ở tỉnh Đắk Lắk được hưởng lợi. 
Chia sẻ về việc này, lãnh đạo xã Ia Rvê cho rằng, việc cấp nước cho địa phương là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm ổn định vùng kinh tế mới đã hình thành hơn 20 năm nay. Ở xã Ia Lốp, ngay bên cạnh địa phương đã có kênh mương thủy lợi dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr về cho người dân sử dụng. Nhờ đó, người dân ở xã Ia Lốp đã có nước sản xuất, từng bước được "đổi đời".
Chia sẻ về việc này, lãnh đạo UBND huyện Ea Súp khẳng định, địa phương mong muốn được bổ sung xã Ia Rvê thành khu tưới nhằm giúp người dân có tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Trong khi đó, theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu đầu tư hệ thống kênh mương từ hồ thủy lợi Ia Mơr về xã Ia Rvê thì sẽ có 1.850ha tưới theo hình thức tự chảy, 1.650ha tưới động lực, 1257,5ha diện tích dọc ven kênh chính Đông.
"Việc triển khai dự án này sẽ góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, ổn định đời sống bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Ea Súp" - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết. 
Theo Phan Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/ban-doc/nghich-ly-hang-ngan-ho-dan-thieu-nuoc-tuoi-ben-ho-thuy-loi-cho-vung-tuoi-1036089.ldo

Có thể bạn quan tâm