Kinh tế

Nghiêm cấm tăng giá vé xe khách bất hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như thường lệ, dịp Tết là thời điểm “vàng” của giới xe khách do nhu cầu khách tăng cao, tập trung tại một thời điểm, do vậy không ít xe khách đã nâng giá vô tội vạ.

Nhằm phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ việc các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách lợi dụng tăng giá vé bất hợp lý, Liên sở Giao thông-Vận tải và Tài chính đã có nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo quản lý giá cước, thời gian áp dụng phụ thu giá cước vận tải trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.    

Phụ thu tối đa không quá 60%

Theo Công văn số 40/SGTVT-KHVT của Liên sở Giao thông-Vận tải và Tài chính thì mức phụ thu mà các đơn vị vận tải trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ tối đa không quá 60%. Và thời gian phụ thu chỉ được tính trong thời gian 10 ngày trước Tết từ 30-1 đến 8-2-2013 (nhằm ngày 19 đến 28 tháng Chạp) và 10 ngày sau Tết từ ngày 13-2 đến 22-2-2013 (nhằm ngày mùng 4 đến 13 tháng Giêng).

 

Bến xe Đức Long luôn đông đúc vào dịp Tết. Ảnh: L.L
Bến xe Đức Long luôn đông đúc vào dịp Tết. Ảnh: L.L

Cụ thể, đối với các tuyến đường dài như Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, trường hợp doanh nghiệp quay đầu xe để đón khách (rỗng 100%) thì mới áp dụng mức phụ thu không quá 60%; các tuyến vừa như từ Gia Lai đi Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng… mức phụ thu 30-40%. Còn các tuyến ngắn như Gia Lai đi Đak Lak, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên không được phụ thu.

Mặc dù quy định là vậy nhưng ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải vẫn quan ngại rằng: Những quy định này chỉ có thể áp dụng trong bến xe, trường hợp bắt khách ở ngoài giá vé vẫn có thể bị nhà xe đẩy lên rất cao, khách sẽ bị ép giá. Đồng thời, tình trạng nhiều xe thực tế không rỗng 100% nhưng vẫn áp dụng mức phụ thu tối đa (60%) thậm chí có trường hợp đơn vị vận tải cố tình phụ thu vượt thời gian và mức phụ thu theo quy định…

Để ngăn ngừa, Sở đã kiến nghị các bến xe phải kiểm tra chặt chẽ, nếu phát hiện vi phạm phải từ chối xếp tài nốt, yêu cầu doanh nghiệp tạm ngưng bán vé và báo cáo kịp thời về Sở Giao thông-Vận tải. Riêng các doanh nghiệp tỉnh bạn có tuyến vận tải hoạt động trên địa bàn thì việc phụ thu giá cước trên tuyến tại đầu bến xe thuộc Gia Lai, ngoài các thủ tục theo quy định, còn phải được Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai thống nhất việc tăng giá cước (tránh trường hợp doanh nghiệp phụ thu cả 2 đầu), bởi thực chất đây là hành vi tăng giá chứ không phải phụ thu chiều rỗng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng đồng tình với thời gian và mức phụ thu áp dụng trên. Một số doanh nghiệp cho rằng nếu chạy tuyến Gia Lai-Đà Nẵng chỉ áp dụng mức phụ thu tối đa 40% là quá thiệt cho doanh nghiệp. Ở mức này doanh nghiệp sẽ không có lãi, thậm chí còn lỗ. Hơn nữa, năm nay kỳ nghỉ Tết khá dài, nếu chỉ áp dụng phụ thu đến hết ngày 13 tháng Giêng là quá ngắn vì lượng khách tập trung đi đông vào các ngày 14, 15 tháng Giêng…

Coi chừng “sốt ảo”

 

Giá vé xe giường nằm Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh và ngược lại (Hãng Thuận Tiến): 435.000 đồng/vé; giá vé ghế nằm từ Gia Lai-Hà Nội và ngược lại (Hãng Việt Hưng): 960.000 đồng/vé; Gia Lai-Thanh Hóa: 880.000 đồng/vé; Gia Lai-Vinh: 800.000 đồng/vé. Giá vé nghế ngồi từ Gia Lai-Thái Bình: 760.000 đồng/vé; Gia Lai-Hải Dương: 800.000 đồng/vé… Tương tự, giá vé giường nằm cũng phụ thu thêm 60%, cao nhất là tuyến Gia Lai-Hải Dương 1.040.000 đồng/vé, rẻ nhất là tuyến Gia Lai-Vinh: 800.000 đồng/vé…

Lý giải việc nhiều hãng xe “cháy vé” và thực trạng các bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo để đặt mua vé cho con sau Tết nhập học mà không được, ông Nguyễn Hữu Nguyên-Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Vận tải, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho rằng: “Đây thực chất là hiện tượng “sốt ảo” do người dân quá lo lắng nên đặt vé sớm và tập trung quá đông tại một số hãng xe. Trong khi hiện nay, đa số các đơn vị vận tải chỉ mới bán khoảng 50% công suất vé, do tại thời điểm này các doanh nghiệp chỉ tập trung giải tỏa khách từ TP. Hồ Chí Minh về và khách đi ra phía Bắc nên chưa quan tâm lắm đến các chiều ngược lại. Đó là chưa kể một lượng xe lớn tăng cường từ các tuyến khác và 10 xe buýt của Bến xe Đức Long…”.

Điều này cũng được ông Lê Quang Giãn- Trưởng điều hành xe khách Hãng xe Mai Linh tại Gia Lai thừa nhận. Ông Giãn cho hay: Hiện đơn vị không dám bán hết vé (chỉ khoảng 50%) vì phải để dự phòng, tránh các trường hợp xe hư hỏng, đường xấu tốc độ đi chậm… Tới gần ngày đi lượng vé này mới được “bung” ra hết, vì vậy hành khách có thể yên tâm. Hiện đơn vị có 8 xe vận tải khách đi các tuyến TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, trong trường hợp cần thiết, đơn vị vẫn có thể huy động xe vì có nguồn xe hỗ trợ dồi dào từ các công ty thuộc tập đoàn ở các tỉnh bạn.

Với quyết tâm “bảo đảm an toàn, thuận tiện-không để người dân không có phương tiện về quê ăn Tết”, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cũng như các doanh nghiệp vận tải đang gấp rút triển khai các phương án phục vụ hành khách. “Đặc biệt, để quản lý xe chiều rỗng, xe tăng cường tạo sự bình ổn và đảm bảo quyền lợi cho khách, Sở cũng đã gửi văn bản cho các bến xe tỉnh bạn, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát Giao thông nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách”-ông Nguyên cho biết thêm.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm