Phát biểu đề dẫn, nhà báo Huỳnh Kiên thông tin: Ngay từ khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền; xem đây là phương tiện chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng đến với các tầng lớp Nhân dân.
Quang cảnh cuộc họp giữa Hội đồng thẩm định với Ban Biên soạn công trình. Ảnh: Lam Nguyên |
Tháng 8-1946, dưới danh nghĩa của Việt Minh Gia Lai, tỉnh đã cho ra đời tờ Thông tin Gia Lai, do đồng chí Phan Bá-Tỉnh ủy viên phụ trách. Ngày 16-3-1947, tại làng Thuận Nghĩa, huyện Bình Khê (nay là Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định cho ra đời tờ báo “Sáng” với danh nghĩa là cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai, do đồng chí Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm, đồng chí Phan Bá-Tỉnh ủy viên làm Chủ bút. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời tờ báo Đảng đầu tiên của địa phương và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng tỉnh Gia Lai.
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, do yêu cầu nhiệm vụ, báo Đảng tỉnh Gia Lai lần lượt mang các tên gọi khác nhau, nhưng luôn bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhằm giáo dục truyền thống báo chí cách mạng cho các thế hệ mai sau, cuối năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho phép tổ chức nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Báo Gia Lai (1947-2022).
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn để triển khai các bước theo quy định. Trong 2 năm qua, các thành viên Ban Biên soạn đã dành nhiều thời gian, công sức để gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu, hình ảnh; tập trung nghiên cứu, đối chiếu, phân tích, tổng hợp để biên soạn hoàn chỉnh lịch sử quá trình hình thành và phát triển của Báo Gia Lai từ khi thành lập đến năm 2022, bố cục thành 7 chương cùng với lời nói đầu và kết luận.
Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định đánh giá cao tính đảng, tính khoa học của công trình, khẳng định bản thảo đã phản ánh toàn diện, đầy đủ, có hệ thống các sự kiện lịch sử về quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp của các thế hệ nhà báo, người lao động Báo Gia Lai qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh. Nội dung bản thảo được trình bày cụ thể, toàn diện với nhiều số liệu minh chứng về quá trình hình thành và phát triển của Báo Gia Lai; nguồn tư liệu chính xác, có độ tin cậy cao. Bối cảnh, nhân vật và sự kiện lịch sử được trình bày trung thực; các nhận định, đánh giá có sự kế thừa, chọn lọc, đảm bảo tính khoa học.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định cũng góp ý, đề nghị Ban Biên soạn chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật; thống nhất về tên người, địa danh; chú ý cách thức trình bày, chú thích, đồng thời bổ sung thêm hình ảnh…, làm cơ sở để Hội đồng thẩm định trình Thường trực Tỉnh ủy cho xuất bản cuốn sách Lịch sử Báo Gia Lai. Tại cuộc họp, 7/7 thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đánh giá công trình đạt 95,5 điểm, xếp loại xuất sắc.