Vắc-xin ung thư đột phá của Úc đã đạt được thành công trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, hứa hẹn cứu mạng nhiều người.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Clinical and Translational Immunology, thực hiện bởi các tác giả đến từ nhóm Mater Research của Viện nghiên cứu Translational và Đại học Queensland (Úc).
Các nhà khoa học đã tạo ra vắc-xin ung thư. Ảnh: Translational Research Institute |
Theo phó giáo sư Kristen Radford, trưởng nhóm nghiên cứu, vắc-xin này là một dạng vắc-xin điều trị chứ không phải vắc-xin phòng bệnh. Nó có khả năng điều trị nhiều dạng ung thư máu như bệnh bạch cầu dòng tủy, ung thư hạch không Hodgkin, đa u tủy và bệnh bạch cầu ở trẻ em; cũng như các khối u ác tính trong bệnh ung thư vú, phổi, thận, buồng trứng, tuyến tụy.
"Vắc-xin mới của chúng tôi bao gồm các kháng thể người được hợp nhất với protein đặc hiệu của khối u" - phó giáo sư Radford giải thích. Do tính chất "lợi dụng" phần nào khối u, nên mỗi liều vắc-xin đều được thiết kế với khả năng tấn công tối đa cho loại ung thư mà nó nhắm tới, cung cấp lợi thế lớn so với các vắc-xin điều trị ung thư khác.
Nó sẽ nhắm trúng đích các tế bào khối u quan trọng để khởi động các phản ứng miễn dịch đặc hiệu, từ đó tối ưu hóa hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.
Các tác giả đang chuẩn bị cho bước nghiên cứu lâm sàng (thử nghiệm trực tiếp trên bệnh nhân). Công trình được đánh giá là đầy hứa hẹn bởi những kết quả thành công mỹ mãn trong các thử nghiệm tiền lâm sàng.
Anh Thư (Theo Medical Xpress, Science Daily/NLĐO)