Sáng nay, 20.5, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới. Hiện còn 60 bệnh nhân đang điều trị. Bệnh nhân là phi công người Anh đang được tập trung kiểm soát nhiễm trùng màng phổi và xem xét ghép phổi, ghép thận.
264/324 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi ĐỒ HỌA: BỘ Y TẾ CUNG CẤP |
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, sáng nay, 20.5, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Từ 6 giờ ngày 16.4 đến sáng 20.5, đã 34 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong số 324 ca mắc Covid-19, có 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. 264 ca đã được công bố khỏi bệnh. 7.945 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong 60 bệnh nhân đang điều trị, 3 ca được xét nghiệm âm tính lần 1 và 4 ca âm tính lần 2 trở lên.
Phi công người Anh đã hết virus SARS-CoV-2
Về sức khỏe của ca bệnh Covid-19 nặng (bệnh nhân 91, 43 tuổi, nam phi công người Anh), Tiểu ban Điều trị cho hay, tình trạng lâm sàng của nam phi công này có cải thiện nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục.
Theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kết quả siêu âm phổi bên phải của bệnh nhân cho thấy tình trạng đông đặc thùy giữa dưới, ít dịch màng phổi, không có hình ảnh tràn khí, phổi co nhỏ. Phổi trái đông đặc vùng sau dưới, ít dịch màng phổi. Bệnh nhân xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 liên tục nhiều ngày qua.
Bệnh nhân 91 là ca bệnh đầu tiên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại ổ dịch bar Buddha (TP.HCM), được công bố kết quả xét nghiệm hôm 18.3.
Bệnh nhân sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính, xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu. Đến thời điểm hiện tại, đã xác định bệnh nhân được điều trị hết virus SARS-CoV-2 sau các lần âm tính liên tiếp trong 10 ngày gần đây.
Xem xét ghép thận
Theo Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân 91 là trường hợp Covid-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường, đã can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) từ ngày 6.4.
Bệnh nhân vẫn còn tình trạng nhiễm trùng màng phổi, chưa cho phép thực hiện ghép phổi. Bệnh nhân cần tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
Theo PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn vi rút SAR-COV-2 trong 10 ngày nay.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị nội khoa để điều trị nhiễm trùng. Bệnh nhân được hội đồng chuyên môn đề nghị chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tích cực chuyên sâu.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) sẽ xây dựng chiến lược điều trị nội khoa và ngoại khoa.
Khi tình trạng nhiễm trùng được hạn chế thấp nhất, hội đồng chuyên môn sẽ xem xét phương án điều trị ngoại khoa như ghép phổi, ghép thận. Toàn bộ phổi ghép sẽ được tìm từ người hiến chết não, có điều kiện phù hợp.
Theo Liên Châu (Thanh Niên)