Điểm đến Gia Lai

Ngôi trường thuở hoa niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ, ngôi trường ấy mang tên THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Trước năm 1975, nó là Trường tư thục Bồ Đề Pleiku. Nơi ấy, niên khóa 1974-1975, tôi theo học nửa chừng lớp 12, sau 2 năm… trốn quân dịch. Vì trốn lính nên lúc bấy giờ tôi học tại đó với giấy tờ giả, tên mới, tuổi nhỏ hơn tuổi thật. Dù thời gian theo học ở đây ngắn ngủi nhưng trong tôi vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Có lần, nhà trường mời thầy Lộc-Hiệu trưởng Trường Công lập Pleiku đến dạy môn Lịch sử. Một hôm, thầy cho làm bài luận: “Anh (chị) hãy cho biết quan niệm của mình về cái chết của Phan Thanh Giản”.
Vì tôi đọc nhiều sách báo nên biết cái chết của Phan Thanh Giản đã gây tranh luận giữa 2 quan điểm. Nhiều người cho rằng, cái chết của nhân vật lịch sử này thể hiện sự trung nghĩa với dân với nước; nhưng quan điểm đối lập lại cho rằng cái chết này là để đền tội bán nước cho Pháp khi đặt bút ký các hòa ước đầu hàng. Tôi mở đầu bài luận bằng việc trích mấy câu thơ của Tố Hữu để làm đà lập luận cho bài viết: “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử...”.
Tuần sau, thầy trả lại bài cho cả lớp, riêng tôi bị thầy gọi lên bảng để dò bài. Thầy nói, bài của tôi vì có trích thơ của một “nhà thơ cộng sản” nên phải hủy, lấy điểm kiểm tra miệng để thay vào cột điểm ấy.
Khoảng đầu năm 1975, nhà trường tổ chức ra một tờ nội san. Tôi nộp bài thơ “Gửi em nơi quê nghèo Bình Định”. Tập san in ra ít lâu, một hôm, Đại đức Thích Hạnh Minh (đồng thời là Đại úy Tuyên úy trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa) gọi tôi lên văn phòng. Ông ta bảo: “Trong bài thơ, anh viết: “Quê em nằm dưới bóng Trường Sơn/Đợi những bước chân người xuống núi/Quê em nhìn ra biển cả trùng dương/Chờ những bước chân người vượt sóng/Về quê em khơi mầm mạch sống/Trương cờ in bóng rợp quê hương…” là ý gì?”. Không đợi tôi trả lời, ông ta tiếp lời: “Chỉ có cộng sản mới ở núi rừng và vượt biển vào Nam, mà anh bảo chờ đợi người “xuống núi” với “vượt sóng”! Không chờ cộng sản thì là chờ ai?”!
Mãi sau này, tôi mới biết “cộng sản” từ Bắc vào Nam có “đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ” và “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Thật ra lúc bấy giờ, tôi chỉ viết theo cảm tính của một thanh niên có cảm tình với những cuộc xuống đường đấu tranh chống Mỹ, đòi hòa bình, nhất là phong trào học sinh sinh viên mà tôi rất ái mộ.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Thế là, Đại đức Thích Hạnh Minh bảo tôi làm thơ “ca ngợi cộng sản” và quyết định đuổi học! Tôi còn nhớ như in hôm ấy là ngày 14-3-1975. Tôi buồn bã lủi thủi lê những bước chân nặng nề về nhà trọ ở đường Phan Đình Phùng, thu xếp đồ đạc, ra đón xe về lại quê nhà Kon Tum. Trên đường về, tôi hồi hộp, lo sợ bị ba mẹ đánh mắng. Ông bà đã tốn bao nhiêu tiền bạc, công sức lo cho tôi được yên ổn và học hành trở lại, thế mà nay thằng con bị đuổi học thì ai mà chịu được.
Nay, mỗi khi có dịp về Pleiku, thi thoảng tôi cũng cố vòng một vòng xe ngang qua ngôi trường cũ, chỉ nhìn ngắm bên ngoài mà thôi. Dường như ngôi trường không thay đổi quá nhiều, cũng đủ cho tôi ít phút giây hồi tưởng lại một thời hoa niên đầy trắc trở của mình.
Nơi ấy, tôi từng có những bạn bè một thuở. Nay nhắc lại vài kỷ niệm khó quên ở Trường tư thục Bồ Đề Pleiku, mong rằng có bạn xưa nào đó tình cờ đọc được bài viết này thì liên lạc lại. Bạn nhớ không, thời ấy tên tôi là Tạ Văn Nhu, chứ không phải cái tên ký theo bài viết này.
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm