Phóng sự - Ký sự

'Ngủ góp' giữa Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Ngủ góp" là cách những người lao động tự do như mua bán ve chai, hàng rong, vé số... chọn ở tiết kiệm để mưu sinh giữa thành phố hiện đại. Có những người đã rời quê vào thành phố này mấy chục năm vẫn chọn cảnh đời "ngủ góp".
Bà Lệ lui cui đẩy xe đạp bán hàng rong về nhà “ngủ góp” lúc rạng sáng - Ảnh: LÊ VÂN
Bà Lệ lui cui đẩy xe đạp bán hàng rong về nhà “ngủ góp” lúc rạng sáng - Ảnh: LÊ VÂN
Người ngủ góp chỉ đóng tiền theo đêm. Khi nào họ ở mới góp tiền, còn không thì chủ nhà chịu.
Ông Nguyễn Tên
Rủ nhau "ngủ góp"
12h khuya, tôi theo chân bà Nguyễn Thị Lệ đi vòng quanh các quán nhậu ở những con đường sầm uất quận Tân Phú. Khi quán xá chuẩn bị đóng cửa cũng là lúc những quán bar khu này sáng đèn và tiếng nhạc xầm xập vang lên.
Những năm gần đây, khu đường Tân Sơn Nhì, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú) cũng "thức vui" trắng đêm như các quận trung tâm vì có nhiều quán bar, nhà hàng karaoke, cà phê, quán ăn xuyên đêm. Bà Lệ và những đồng hương của mình thường đi quanh khu vực này để bán hàng rong như trứng cút, đậu phộng, bánh tráng, trái cây cắt sẵn...
1h30 sáng, nhóm bà Lệ gồm ba người vẫn đi dọc các con đường quanh khu vực ngã tư Gò Dầu bán dạo. Tiếng rao của bà Lệ khan đặc, thi thoảng lại ho lục khục. Bà Trang Thị Tâm, 65 tuổi, lo lắng bảo bà Lệ về sớm đi kẻo bệnh. Nhưng nhìn vào giỏ đồ đi bán còn đầy ắp của bà Lệ, bà Tâm quay sang bảo tôi: "Bệnh nhưng không về sớm đâu, chừng nào hết đồ bán bả mới chịu về. Có hôm 4h sáng mới về tới nhà".
2h30 sáng, bà Lệ mới lui cui dắt chiếc xe đạp đi bán dạo vào nhà trọ. Ở hẻm 133 Gò Dầu, phường Tân Sơn Nhì, ai cũng biết nhà trọ trong hẻm này là của những người lao động dồn về "ngủ góp". Nhà trọ có chủ là vợ chồng cùng quê bà Lệ từng dắt nhau vào ở trọ chung. Sau đó, họ thuê cả nguyên căn này hơn 10 năm nay để cho người khác thuê lại. Ngày thường nhà có từ 10 người "ngủ góp", lúc đông nhất lên tới 15 - 20 người. "Đang dịp Tết Đoan Ngọ nên một số người về quê, giờ chỉ còn 6 chị em cùng quê ở lại nên tuy rộng hơn chút mà lại thấy trống trải", bà Lệ tâm sự.
Còn nơi đâu "ngủ góp" rẻ hơn chỗ của bà Lệ, khi mỗi đêm bà chỉ phải trả 12.000 - 20.000 đồng. Câu trả lời được tìm thấy ở nhà trọ khác trên đường Nguyễn Lộ Trạch, quận Tân Phú. Chị Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, quê Phú Yên), bị teo một chân bẩm sinh, làm nghề bán vé số, cười tủm tỉm bảo: "Chỗ tụi chị ở chỉ có 8.000 - 10.000 đồng à...".
Trong khi đó, ở con hẻm đường Phùng Chí Kiên, phường Tân Quý, quận Tân Phú là một ngôi nhà đặc biệt hơn vì ngoài người lao động tự do còn có cả sinh viên, người đi làm công ty cùng nhau "ngủ góp". Mỗi đêm họ chỉ trả 15.000 - 18.000 đồng cả tiền ngủ và tiền điện, nước sinh hoạt. Chủ nhà và người thuê nghỉ ở đây đều cùng quê, thậm chí cùng thôn, xã, huyện... dắt díu nhau vào làm ăn ở Sài Gòn hơn 10 năm nay.
Ông Đinh Hùng Thái (47 tuổi, quê huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), chủ nhà trọ ở hẻm 133 Gò Dầu, kể cuộc đời thăng trầm gần 30 năm ở Sài Gòn của mình: "Lúc mới vô, tui đi làm nghề điện tử rồi bao bì cũng khá, sau còn mở công ty kinh doanh riêng. Nhưng rồi mần ăn khó, nên vợ chồng tui về đây thuê căn nhà rồi cho chị em cùng quê thuê lại để sống qua ngày". Hằng ngày cứ 4h sáng, khi những người bán hàng rong "ngủ góp" vừa trở về nhà để trải manh chiếu tranh thủ chợp mắt thì cũng là lúc anh Thái dậy đi lấy đậu phộng, trứng cút về giao cho họ đem bán dạo.
Tương tự, vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc (58 tuổi) và ông Nguyễn Tên (61 tuổi), quê Tịnh Phong (Quảng Ngãi) đã thuê ngôi nhà cấp 4 hơn 60m2 ở hẻm Phùng Chí Kiên được 10 năm. Bà Ngọc kể lúc vào thuê ngôi nhà này để cùng những người đồng hương buôn bán thì giá thuê chỉ 2 triệu đồng/tháng. Đến nay giá thuê lên 5,5 triệu đồng, nên số tiền chia ra cho việc "ngủ góp" của gần 20 người trong nhà cũng tăng lên.
Những người ở góp vui vẻ, thân tình ở hẻm Phùng Chí Kiên, quận Tân Phú - Ảnh: LÊ VÂN
Những người ở góp vui vẻ, thân tình ở hẻm Phùng Chí Kiên, quận Tân Phú - Ảnh: LÊ VÂN
"Cực khổ nhưng... cảm ơn Sài Gòn!"
Đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu hết khu trọ "ngủ góp" từ những quận trung tâm thành phố đến vùng ven đều trống chỗ. "Bình thường người trải chiếu nằm xếp lớp như cá mòi, nhưng mùa dịch vừa rồi chỉ còn ông bà chủ ráng trụ lại giữ nhà" - anh Nguyễn Tấn Mạnh, 47 tuổi, người "ngủ góp" lâu năm ở nhà bà Ngọc, nói.
Bà Nguyễn Thị Loan (53 tuổi, quê huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), ở nhà trọ hẻm Phùng Chí Kiên, cũng vào Sài Gòn đã 16 năm. Làng quê của bà chỉ tụ họp về vào các dịp tháng 3 và tháng 8 hằng năm trong vụ gặt. Thời gian còn lại trong năm, từ đàn ông, thanh niên đến phụ nữ đều rủ nhau vào các quận huyện ở TP.HCM buôn bán hàng rong hay làm thuê.
Bà Loan bộc bạch đời "ngủ góp" 16 năm: "Chừng 5-6h chiều, khi các quán nhậu mở cửa là tôi bắt đầu bưng thúng đồ ăn vặt đi bán dạo tới khi nào hết mới về, có hôm 3-4h sáng mới hết. Rồi sáng sớm hôm sau, từ 7-10h tôi lại đi rửa chén thuê cho quán ăn gần nhà trọ. Cực khổ nhưng cảm ơn Sài Gòn vì còn kiếm được đồng tiền gửi về quê...". Tuy lớn tuổi, nhà đông con nhưng bà Loan không muốn phiền hà con cái, lại có mẹ già gần 90 tuổi ở quê nên những đồng tiền kiếm được ở Sài Gòn là cả cuộc sống trong suốt 16 năm đi "ngủ góp" của bà.
Còn nhiều số phận khác cũng gắn với đời "ngủ góp" nhiều năm và mang đầy tâm tư lẫn hi vọng. "Sống được nhưng nhọc nhằn lắm, tui có ba đứa con đang ăn học, một đứa mới đỗ trường y ở Quảng Ngãi. Thấy con học thành tài thì mừng, nhưng học ngành y thì cực lắm, còn dài lâu nữa..." - anh Nguyễn Tấn Mạnh, quê Quảng Ngãi, tâm sự.
Trẻ hơn một chút, anh Trần Ngọc Mẫn (36 tuổi, quê Phú Yên) hiện là chủ nhà trọ ở đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Tân Quý (quận Tân Phú) chia sẻ: "Tui vào đây cũng gần 20 năm rồi. Thuê nhà này cũng gần 10 triệu đồng mỗi tháng, cho ngủ góp có khi lên đến 20 người. Toàn là người không có việc làm nên mới đi bán vé số. Coi như nương nhau mà sống. Tui phân vé cho mấy người cùng quê đi bán, lời thì họ hưởng ít hơn người ta 200 đồng mỗi tờ vé, nhưng bù lại tui lo cho họ chỗ ngủ qua đêm với hai bữa cơm mỗi ngày mà họ chỉ phải trả có 8.000 - 10.000 đồng"...
Bà Nguyễn Thị Loan đi bán hàng rong lúc nửa đêm - Ảnh: LÊ VÂN
Bà Nguyễn Thị Loan đi bán hàng rong lúc nửa đêm - Ảnh: LÊ VÂN
"Ngủ góp" vì rẻ và tiện lợi
Cách đây 10 năm, nhiều nhà cho "ngủ góp" qua đêm ở Sài Gòn chỉ 2.000 - 10.000 đồng. Và những người ngủ nghỉ qua đêm từ nhiều vùng quê nghèo gom lại "ngủ góp" để tiết kiệm.
Sau 10 năm, những người lao động tự do tiếp tục "đổ bộ" vào Sài Gòn làm thuê và vẫn "ngủ góp" dù giá có tăng lên một chút. Lý do đơn giản là "ngủ góp" tiết kiệm hơn thuê trọ tháng, ngủ đêm nào chỉ tính tiền đêm đó và cũng dễ dịch chuyển mà không phải rắc rối tiền cọc này nọ.
LÊ VÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm