TN - Đất & Người

Người Bahnar làm trang sức cuối cùng ở Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Người Tây Nguyên từng không xa lạ với công nghệ luyện kim. Tuy nhiên, đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa trả lời được vì sao nghề kim khí trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một, đặc biệt là nghề chế tác trang sức. Những người thợ tài hoa vì thế cũng dường như biến mất. Gặp được người Gru hớ jơm (chế tác trang sức) được cho là cuối cùng của vùng đất Kông Chro-ông Bri, với chúng tôi là cả một sự may mắn. 
 

 Đôi bông tai sáng màu bạc mới có thể sẽ là vật trang sức cuối cùng được ông Bri chế tác. Ảnh: N.B
Đôi bông tai sáng màu bạc mới có thể sẽ là vật trang sức cuối cùng được ông Bri chế tác. Ảnh: N.B

Phải lục lọi trí nhớ hồi lâu, nghệ nhân Đinh Keo-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro, mới nhớ ra được hai cái tên: Bung và Bri. “Đây là 2 người hiếm hoi của làng Bơ Yang, thậm chí của vùng đất Kông Chro biết nghề làm trang sức từ đồng, bạc. Ông Bung đã mất vài năm nay, chỉ còn Bri là người cuối cùng”-ông Đinh Keo khẳng định. Người Bahnar gọi những người làm ra nông cụ như rìu, rựa, cuốc, xẻng… là thợ rèn. Nhưng những thợ rèn biết chế tác trang sức từ kim khí như nhôm, đồng là “Gru hớ jơm” để chỉ sự tài hoa, khéo léo, trên thợ rèn nhiều bậc. Bri là một trong những người hiếm hoi như vậy.  

Quanh quẩn đợi Bri cả buổi chiều, cuối cùng ông cũng về nhà khi trời đã nhá nhem. Đề nghị ông cho xem nơi làm ra những đồ bạc mà “người phụ nữ Bahnar nào cũng mê”, Bri bật cười: “Người Bahnar thường đặt lò rèn ở nhà rẫy, không để ở nhà. Mà nhà rẫy cách nhà xa lắm”. Trước sự ngạc nhiên của khách, ông giải thích thêm: “Từ xa xưa, ông bà mình thường đặt lò rèn ở trên rẫy để tiện giúp người làng mỗi khi họ hư con dao, cái cuốc trong lúc làm việc. Trước đây, làng mình có tới 4 lò rèn  nhưng nhiều năm không còn lò nào đỏ lửa. Dân làng không cần tới thợ rèn cuốc, xẻng nữa, họ mua cho nhanh tiện, lại rẻ. Mình vẫn còn giữ lò rèn vì thỉnh thoảng làm vài món trang sức. Đồ này thì không ai làm sẵn để bán cả, chỉ mua lại của nhau hoặc mang bạc tới mình làm giúp mới có”. Bri lấy đôi bông tai bằng bạc mang sắc trắng, cẩn trọng đặt lên lòng bàn tay chằng chịt vết xước, nói rằng đây là vật trang sức ông làm gần đây nhất cho người vợ già. Đôi bông tai to và nặng, sáng màu bạc mới. Và có lẽ, chỉ những phụ nữ Bahnar có phần dái tai to do tục “cà răng căng tai” từ xưa để lại như vợ ông mới đeo vừa. “Mình phải đi mua bạc ở tận Đak Pling, rồi về gom góp thêm vài đồ bạc không dùng mới đủ làm. Nếu tính tiền bạc cũng mất gần 3 triệu đồng. Làm đeo rồi sau này có cái mang theo về với ông bà”-ông nói.

Bri chỉ thổi lò trong những lúc nông nhàn. Vài năm trở lại đây, những món đồ ông làm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng mới có người nhờ làm cho cái kiềng cổ, đôi hoa tai. Năm ngoái, ông làm cho nghệ nhân Đinh Keo một chiếc vòng thắt lưng và vài thứ lặt vặt để đeo trong lễ hội. Từ bấy đến giờ cũng không thấy ai nhờ nữa. Bri cũng chẳng bao giờ lấy tiền công của ai, dù công việc đòi hỏi rất nhiều công sức, sự cẩn thận, tỉ mỉ. Không chỉ mang bạc đến, họ còn phải giúp ông quay lò rèn, làm linh tinh trăm thứ việc khác mới hoàn thiện được món trang sức như ý. Người ta có khi trả cho ông một con heo nhỏ, khi thì con gà, có khi chỉ một ghè rượu uống chung tại nhà rẫy, vậy là hai bên vui vẻ cả. Bri cho biết, những người còn đeo trang sức đồng, bạc thường là người già, hoài cổ. Đối với những người còn trân trọng truyền thống của ông bà, ông cũng không tiếc gì công sức giúp lại họ.

 

 Trang sức thường được người Bahnar đeo trong mùa lễ hội. Ảnh: Huy Tịnh
Trang sức thường được người Bahnar đeo trong mùa lễ hội. Ảnh: Huy Tịnh

Theo nghệ nhân Đinh Keo, người Bahnar chế tác trang sức từ những dụng cụ vô cùng thô sơ. Vì thế, để làm được một món trang sức mang vẻ đẹp hoàn hảo, sự khéo léo, giỏi giang của người thợ mang yếu tố quyết định. Nhận xét về công việc của những “Gru hớ jơm” như ông Bri, nghệ nhân già không khỏi thán phục: “Người Bahnar vùng này thường gọi những người như Bri là “Hơ gei” tức là những người giỏi giang. Bây giờ, cả vùng này tìm một người biết luyện kim cũng không có, làm ra những trang sức tuyệt đẹp như Bri lại càng hiếm hoi, thậm chí không còn. Nay mai Bri về với ông bà, nghề này coi như thất truyền vĩnh viễn”.

Tuy vậy, theo ông Đinh Keo, đây lại là nghề không có truyền nhân. Ngay bản thân ông là một nghệ nhân tài hoa, lừng lẫy khắp vùng Kông Chro bởi sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và nắm giữ nhiều nghề truyền thống, nhưng nghề luyện kim lại là một  lĩnh vực khác hẳn, riêng biệt. Hơn nữa, trang sức gắn với quan niệm thẩm mỹ của người Bahnar nhưng nay không còn phù hợp với thế hệ trẻ. “Vì thế mà chẳng còn mấy ai cần đến nghề truyền thống này nữa”-nghệ nhân già tiếc nuối.

Những “Gru hớ jơm” rồi đây sẽ chẳng còn được gọi tên. Nhưng trang sức họ tạo ra đã làm trọn phận sự của nó trong dòng chảy văn hóa tinh thần của người bản địa. Và có thể, chúng còn kể cho đời sau những câu chuyện về đời sống văn hóa vô cùng phong phú, rực rỡ đã qua, nếu có ai đó chợt muốn tìm về cội rễ…

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm