TN - Đất & Người

Người Bí thư "đứng mũi chịu sào"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quê chú ở Hoài Hảo, Hoài Nhơn, Bình Định. Chú bảo, nhà tuy không giàu có gì mấy, thời ấy chuyện học hành không hề dễ đối với một vùng quê như xứ của chú, nhưng cha mẹ thấy chú ham học thì cũng chiều theo. Sự học hành chưa đến đâu thì Cách mạng tháng 8 nổ ra, thế là bút nghiên xếp lại, con đường và sự nghiệp của chú bắt đầu từ bước ngoặt ấy. Chú là Hồ Duy Đàm, khi chuẩn bị vào Nam trở lại, tổ chức đổi tên chú thành Hồ Ngọc Năm. Lớp bạn trẻ chúng tôi gọi là chú Năm, còn mọi người gọi là anh Bảy.

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng ở vùng đất An Khê đã có bước chuyển mình sau một thời gian khá dài tạm lắng bởi những cuộc “tố cộng” của chính quyền họ Ngô. Vì vậy, đây là vùng trọng điểm chống phá ác liệt của kẻ thù. Chân ướt chân ráo vừa ròng rã hơn 2 tháng trời băng rừng, vượt sông, trèo đèo, lội suối ở thời “đường vừa đi vừa mở” còn trong bí mật tuyệt đối, với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không to” từ Bắc về, chú Hồ Ngọc Năm ngay lập tức được cấp trên phân công đến nhận nhiệm vụ ở An Khê. Có lần chú kể, trên đường trở về Nam, mọi thứ từ lương thực, thực phẩm, tư trang mang theo của tất cả mọi người trong đoàn của chú đều không nhãn mác, đề phòng nếu không may có ai đó rơi vào tay giặc thì vẫn giữ được bí mật cho con đường vừa hình thành-đường 559.

 

Một góc thị xã An Khê. Ảnh: internet
Một góc thị xã An Khê. Ảnh: internet

Trải qua khá nhiều công việc được đảm trách cho đến khi trở thành Bí thư Ban Cán sự Đảng kiêm Chính trị viên Huyện đội K8 (tương đương cấp huyện ngày nay) vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chú Hồ Ngọc Năm luôn là người “đứng mũi chịu sào”, tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình trong mọi công việc, lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh giành được kết quả. Chú cũng là người đưa ra những phán đoán và quyết định táo bạo trong công tác xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng bên trong vùng địch hậu và xây dựng thực lực bên ngoài-lực lượng vũ trang tập trung của huyện ngày càng mạnh.

Đặc biệt, chú Năm rất tài tình trong việc đoàn kết, tập hợp cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xung quanh Đảng bộ cũng như làm công tác động viên tư tưởng, giáo dục chính trị đối với cấp dưới, bà con cơ sở cách mạng và nhân dân nơi đứng chân. Luôn gắn bó với phong trào cơ sở, gần gũi với nhân dân, yêu thương và chia sẻ mọi khó khăn với cán bộ, chiến sĩ... là đức tính vốn có của chú. Mỗi lần hay tin có cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, tổn thất, bề ngoài mọi người không thấy chú Năm có biểu hiện bi quan, nhưng nỗi buồn đau ấy chú nén vào lòng, về đêm. Là người bên cạnh chú nhiều năm, có nhiều đêm tôi chẳng thấy chú chợp mắt bao giờ. Hỏi thì chú chỉ bảo do đã già, sức khỏe kém nên khó ngủ, nhưng thực ra tôi thấy 2 mắt chú đọng đầy nước mắt. Mỗi một đồng chí hy sinh, mỗi một trận đánh thất bại, một công việc bất thành là chú mất ngủ. Các chị trong cơ quan thì bảo chú là đàn ông, là lãnh đạo nhưng cũng… mủi lòng chẳng kém chị em. Nghe thế, chú chỉ cười xòa thân thương, dễ mến.

Một lần, tôi cùng đi với chú một chuyến công tác về hậu cứ. Chị Trần Thị Tài-nuôi quân của cơ quan-đã chuẩn bị gạo và lương khô chu đáo cho 2 chú cháu. Gọi là “lương khô” chứ cũng chỉ là mấy con cá chuồn khô và muối trắng chiên với mỡ thực vật cho vào ống ghi-gô đeo bên hông ba lô con cóc. Buổi trưa dừng lại bên bờ sông Ba, chú kiếm củi, nhóm bếp, còn tôi có nhiệm vụ vòng quanh một đoạn xem xét tình hình, đề phòng bọn biệt kích. Thấy từng đàn cá trắng, cá ngựa đua nhau trong nước ở cái hục nước trong veo, nghĩ đến bữa cơm trưa kham khổ, thương chú, tôi liều bắn mấy phát AR15, cá chết nổi lên vớt cũng được cả ký. Nghe có tiếng súng, chú nép mình cẩn thận quan sát, khi phát hiện ra là tôi bắn cá dưới bờ sông, chú lặng lẽ trở lại làm công việc bếp núc của mình. Vừa thấy tôi từ bờ sông lên, chú tỏ ra giận lắm, bảo đạn là của quý hiếm, không thể tự ý săn bắn để “tục tạc, ca cóng” cho riêng mình được, đấy là khuyết điểm. Giữa chừng bữa cơm, chú lại bảo: “Nhưng mà cháu cũng giỏi, chỉ 2 phát súng mà được nhiều cá thế này, bổ sung vào phần lương khô của chú cháu ta cũng được thêm vài ngày. Nhưng lần sau không được sử dụng súng đạn bừa bãi như thế nữa đấy. Để có được những viên đạn trang bị cho mình là bao xương máu của đồng bào, đồng chí, cho nên không được phí phạm”.

Sau Hiệp định Paris ít lâu, tôi nhận quyết định về Văn phòng Tỉnh ủy để chuẩn bị đi học xa. Xa chú cũng như mọi người, tôi buồn vô cùng. Vậy là không còn được chú chỉ bảo, răn dạy bao điều tốt, chỉ cho những điều không nên làm; không được chú kể cho nghe những câu chuyện đời, chuyện nhà những khi rảnh rỗi hoặc trong những đêm rừng già buốt lạnh thấu xương khiến cả chú lẫn cháu, một già một trẻ, đều không thể ngủ được.

Thế rồi, sau hơn 10 năm xa cách, tôi lại cùng làm việc với chú ở một huyện biên giới Chư Pah (Ia Grai ngày nay). Khi ấy, từ chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, chú xuống làm Phó Bí thư khi tỉnh tăng cường một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm nhiệm chức Bí thư. Chú vẫn như ngày nào khi còn trong chiến tranh ác liệt, vẫn vui vẻ đảm nhận công việc của mình, không một lời trách móc tổ chức, cấp trên.

Mới cách đây chưa lâu, tôi đến nhà của chú, một căn nhà quá khiêm tốn, được xây dựng từ năm 1970 mà chú mua lại của một hộ nghèo sau ngày giải phóng, trong con hẻm hun hút sâu ở phường Ia Kring, TP. Pleiku. Tôi xin phép cô nhà thắp cho chú một nén nhang. Di ảnh của chú trên bàn thờ “nhìn” tôi, như muốn nói điều gì đó. Thoắt đấy mà chú ra đi vì tuổi già, vì không chống chọi nổi với căn bệnh hiểm nghèo đã ngót 20 năm…

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm