(GLO)- Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Thuận treo đầy bằng, giấy khen của Mặt trận và chính quyền các cấp dành cho ông và Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 5, phường An Tân, thị xã An Khê vì đã đạt nhiều thành tích trong công tác mặt trận ở cơ sở. Song khi nhắc đến những thành tích ấy, ông Thuận lại khiêm tốn: “Như vậy cũng chưa đến đâu cháu ạ, chúng tôi còn phải cố gắng để làm được nhiều hơn thế nữa”.
Ảnh: Hồng Thương |
Ông Thuận làm công tác mặt trận từ những ngày đầu thành lập thị xã An Khê. Ban đầu, ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 6, sau đó là Trưởng ban Mặt trận kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải của tổ dân phố 5, phường An Tân. Ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn được nhân dân tin yêu.
Ông chia sẻ: “Muốn làm việc có hiệu quả, trước tiên, người cán bộ phải gương mẫu, luôn giữ uy tín để người dân tin tưởng nghe theo. Đồng thời, phải gần dân và biết đặt quyền lợi của dân lên trên hết thì mọi việc mới thành công”.
Bởi quan điểm ấy mà bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy ước của tổ dân phố và trên cơ sở đó vận động người dân làm theo. Khi có văn bản mới được ban hành, ông cụ thể nội dung rồi tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp dân, kết hợp đi đến từng cụm dân cư, từng gia đình để giải thích cho người dân hiểu. Đồng thời, ông cũng luôn đi đầu trong các phong trào lớn như: “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và tích cực tuyên truyền sâu rộng nội dung vào đời sống nhân dân. Nhờ đó, người dân đã biết nâng cao hơn tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia các ngày lễ lớn của dân tộc cũng như đóng góp các loại quỹ hàng năm như quỹ an ninh quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa… đạt trên 85%.
Cùng với số tiền trên 40 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, ông tích cực vận động nhân dân đóng góp thêm gần 40 triệu đồng xây dựng hội trường nhằm phục vụ các công tác tuyên truyền và hội họp của tổ. Ông cũng thường xuyên đi thăm, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ. “Chỉ có việc đến tận nhà và nói chuyện mới biết được hộ nào thật sự cần vốn, hộ nào cần kinh nghiệm, hộ nào cần giúp đỡ về ngày công lao động để có những đề xuất hoặc hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn họ cách thức làm ăn để họ có kế hoạch đầu tư sát với thực tế hoàn cảnh của gia đình”-ông bộc bạch. Nhờ thế toàn tổ hiện cũng chỉ còn 2/158 hộ thuộc diện nghèo và nhiều hộ đã có thu nhập cao từ hàng trăm triệu đồng/năm trở lên.
Không những thế, 10 năm qua, ông còn hòa giải thành công gần 20 vụ việc liên quan đến các vấn đề đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, xích mích trong hàng xóm. Ông nói: “Những mâu thuẫn ấy tuy mức độ nghiêm trọng chưa cao nhưng để giải quyết không phải là đơn giản. Có những vụ phải mất gần hai tháng mới giải quyết xong. Do vậy, để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải đến tận từng hộ liên quan tìm hiểu những khúc mắc cũng như tình tiết sự việc, sau đó mời các bên liên quan lên trụ sở của tổ để hòa giải. Khi hòa giải, chủ yếu dựa trên tình cảm và quy ước của tổ để giải quyết vụ việc mà không gây mất đoàn kết trong nhân dân”…
Những việc làm nói trên của ông đã phần nào giúp địa phương ổn định đời sống cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tổ. Người dân từ đó cũng chăm chỉ làm ăn, đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống cũng như tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở cơ sở. Tính đến nay, tổ có 127 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa và 8 năm liền (từ năm 2005 đến nay) tổ luôn giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa.
Hồng Thương