(GLO)- Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 45% dân số. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín
Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 1.256 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ban Dân tộc tỉnh cũng đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tích cực thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn theo quy định. Hàng năm, các địa phương tổ chức thăm, tặng quà cho người có uy tín trong dịp lễ, Tết; tổ chức tập huấn và cung cấp các thông tin về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cho người có uy tín trong đồng bào DTTS”.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới và các đoàn thể chính trị-xã hội rà soát, vận động, xây dựng, củng cố đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh với hơn 2.000 già làng, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, cán bộ các đoàn thể tại thôn làng, chức sắc, chức việc tiêu biểu trong các tôn giáo... Họ là những điển hình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư.
Người có uy tín trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng. Ảnh: T.N |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức đoàn đại biểu đại diện người có uy tín trong đồng bào DTTS đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội và một số tỉnh miền Trung; tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân học tập, thực hiện theo thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam; phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm về phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các DTTS trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức hơn 800 cuộc gặp mặt với trên 69.000 lượt người có uy tín, qua đó kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò tại cộng đồng dân cư”.
Hạt nhân phong trào ở cơ sở
Ảnh: T.N |
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tại thôn làng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước... Với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người có uy tín thường xuyên phối hợp với các ban, ngành ở địa phương tổ chức trên 4.850 buổi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Ở huyện Đak Đoa có ông Wút (làng Dơk Rơng, xã Glar) đã tích cực vận động dân làng tham gia đóng góp hàng trăm ngày công lao động nạo vét kênh mương, làm 3,5 km đường giao thông nội thôn; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, giữ gìn môi trường... Tại huyện Chư Pah có ông Kpă Krăih (làng Bui, xã Nghĩa Hưng) tích cực vận động dân làng làm nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch, không thả rông gia súc, đồng thời hiến hơn 2.000 m2 đất, ủng hộ hơn 120 triệu đồng và công lao động làm đường giao thông nông thôn, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Chư Sê có ông Siu Blăn (làng Hố Lâm, xã Chư Pơng) đã chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong làng, giúp 3 hộ khó khăn vay vốn không tính lãi để sản xuất. Ở huyện Chư Pưh có ông Rmah Teng (làng Bố 1, xã Ia Phang) tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, cho con em trong độ tuổi đi học đến trường...
Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã giúp cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị chính đáng của bà con ở thôn làng. Qua đó tạo sự đồng thuận, giúp chính quyền giải quyết nhanh và thấu đáo những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Đồng thời, góp phần tích cực vào công tác vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc vào cuộc sống”. |
Trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tại huyện Mang Yang có bà Her (xã Ayun), ông Đinh Yek (xã Kon Chiêng), ông Hngum (xã Lơ Pang), ông Y Thành (xã Hà Ra) đã tích cực phối hợp cùng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động quần chúng nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ở huyện Đức Cơ có ông Rơ Châm Tích (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom); huyện Ia Grai có ông Ksor Bơng (làng Bi, xã Ia O); huyện Chư Prông có nữ già làng Ksor B’Lăm (làng Krong, xã Ia Mơr) và ông Siu Hphyin (làng Goòng, xã Ia Púch) đã vận động các hộ có nương rẫy giáp đường biên tự quản cột mốc khu vực biên giới, đồng thời cung cấp các nguồn tin có giá trị cho ngành chức năng phục vụ công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm, phòng-chống vượt biên, góp phần giữ vững an ninh biên giới.
Thanh Nhật