Chính trị

Chư Păh:

Người có uy tín góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Thời gian qua, huyện Chư Păh đã phát huy rất tốt vai trò của người có uy tín trong các cuộc vận động nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Chư Păh có 14 đơn vị hành chính, có 109 thôn, làng, tổ dân phố (73 làng đồng bào dân tộc thiểu số), có 26 dân tộc anh em sinh sống sinh sống, chiếm tỷ lệ 55,09% dân số huyện (Jrai 81,67%, Bahnar 15,27%, còn lại là các dân tộc ít người khác). Toàn huyện có 72 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Jrai 58 người; Bahnar 13 người; Xê Đăng 1 người).

Với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các già làng, trưởng thôn và người có uy tín trên địa bàn huyện Chư Păh đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ dần các hủ tục tập quán lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng phát triển kinh tế, duy trì trật tự, an ninh nông thôn, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; củng cố và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, gắn với phong trào thi đua “Chư Păh chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Ông Rơ Châm Nế (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi trâu và trồng cà phê. Ảnh: Lê Nam

Ông Rơ Châm Nế (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi trâu và trồng cà phê. Ảnh: Lê Nam

Gần chục năm được bà con tin tưởng bầu làm người có uy tín trong làng, ông Rơ Châm Nế (SN 1956, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông), luôn gương mẫu trong lối sống, tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người dân trong làng thực hiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi nếp nghĩ cách làm để phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội. Nhờ đó, trong làng có trên 86% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 40% hộ có đời sống khá giả. “Muốn dân tin và làm theo, trước hết mình phải nói được, làm được. Hiện gia đình tôi có gần 20 con trâu, 3 ha cà phê, mỗi năm trừ chi phí đầu tư thu về khoảng 200 triệu đồng. Có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, tôi hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, loại bỏ các tập tục canh tác lạc hậu, nhờ đó đời sống của bà con ngày càng khá lên, trong làng không còn hộ đói. Ngoài ra, tôi luôn cùng các đoàn thể đi tới từng ngõ, gõ từng nhà để vận động người dân hiến đất, dời bờ rào và đóng góp công, tiền để làm được 1 km đường giao thông trong làng. Đặc biệt, tôi còn tham gia hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong dòng họ, làng xóm để rồi sau khi hòa giải thành công, tình cảm gia đình, dòng họ, làng xóm với nhau ngày thêm thắt chặt”-ông Nế chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi ông Siu Plim tranh thủ đan lát để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Lê Nam

Những lúc rảnh rỗi ông Siu Plim tranh thủ đan lát để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Lê Nam

Ở làng Bloi (thị trấn Ya Ly), già làng Siu Plim được bà con hết sức tín nhiệm bởi sự gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung. Với uy tín của mình hàng năm ông cùng với tổ hòa giải của làng đã hòa giải thành công nhiều vụ, từ đó góp phần giữ vững an ninh trật tự trong làng, tình cảm trong gia đình, tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt và giảm được các vụ khiếu kiện vượt cấp. Khi hòa giải phải trung thực thẳng thắn, phải lắng nghe các bên ý kiến và nắm bắt tình hình thực tế cho rõ ràng, không bênh vực bên nào, không đòi hỏi quyền lợi cá nhân, đặc biệt phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình, không ngại khó ngại khổ. Trong số đó có một vụ mà ông cùng tổ hòa giải phải đi lại rất nhiều lần, mất cả năm mới hòa giải thành công. Ông Plim kể lại: Năm 2021, xảy ra vụ tranh chấp đất đai trong dòng họ giữa gia đình bà Rơ Châm ALi với gia đình bà Rơ Châm Buih gây mất đoàn kết, chia rẽ trong dòng họ, mất an ninh trật tự trong làng. “Trước tình hình đó tôi phải đi thu thập tin tức vụ việc, rồi đến từng gia đình phân tích phải, trái của vụ việc và đến gặp những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong dòng họ 2 gia đình để trao đổi tìm các giải pháp để giải quyết vụ việc. Sau khi được 2 bên gia đình đồng thuận, tôi đã cùng tổ hòa giải của làng tổ chức buổi hòa giải có sự chứng kiến của cấp ủy, ban quân dân chính làng, các ngành đoàn thể và bà con. Sau khi phân tích phải, trái, bà Ali và bà Buih cùng gia đình 2 bên đã nhận thức được những việc làm sai trái của mình. Từ đó đến nay 2 bên gia đình và dòng họ đã đoàn kết, gắn bó với nhau hơn, tình làng nghĩa xóm trong làng thêm thắt chặt. Ngoài tham gia tổ hòa giải của làng, tôi đã vận động người dân đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà vệ sinh, di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở; vận động họ xóa bỏ các hủ tục để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động người dân không nghe, không tin các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta”-ông Plim chia sẻ thêm.

Trao đổi với P.V, ông Rah Lan Ven-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-cho biết: Trong năm qua người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Păh đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động. Các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế-xã hội; hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng để xây dựng các đường dân sinh và các công trình phúc lợi cộng đồng; xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Thông qua “cầu nối” là các già làng, người có uy tín, cấp ủy, chính quyền địa phương hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết nhanh và thấu đáo những vụ việc phát sinh từ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Có thể bạn quan tâm