“Cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền và người dân
Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2023, ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh có 955 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, phân cấp, giao Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện các nội dung thuộc chính sách đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương; cấp phát báo, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức để người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh... Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người có uy tín trong những ngày lễ, Tết, khi đau ốm hoặc gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.
Đội ngũ người có uy tín cũng đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc. Bằng nhiều cách khác nhau, đội ngũ người có uy tín đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tại hội nghị, đại diện người có uy tín tiêu biểu trên một số lĩnh vực đã chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hòa giải ở cơ sở; phòng-chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Ông Lick (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho hay: “Tôi luôn chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngoài 1 máy xay xát gạo hoạt động ổn định, tôi còn trồng 2 ha cà phê, 5 sào lúa nước, nuôi 5 con bò, 40 heo thịt, 10 heo nái. Thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí còn khoảng 200 triệu đồng/năm. Tôi cũng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; vận động người dân trong làng nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Với ông Siu Hip (tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự. “Khi tham gia giải quyết vụ mâu thuẫn nào đó, tôi đều lắng nghe sự việc từ nhiều phía để nắm bắt tình hình. Từ đó, tôi phân tích, giải thích để các bên thông hiểu. Mới đây, tôi tham gia hòa giải thành công vụ tranh chấp đất đai giữa 2 người con của bà Rơ Ô Nen. Sau khi nghe phân tích, 2 chị em họ đã bắt tay làm hòa”-ông Hip chia sẻ.
Tranh thủ tối đa vai trò người có uy tín
Tại hội nghị, Ban Dân tộc tỉnh đã tặng giấy khen cho 200 người có uy tín nhằm ghi nhận những thành tích tiêu biểu, xuất sắc của họ trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023. Ủy ban Dân tộc trao tặng 200 phần quà với tổng trị giá 100 triệu đồng cho người có uy tín. Ngoài ra, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tặng 48 xe đạp cho các em học sinh DTTS nghèo vượt khó trong học tập.
Em Rơ Mah Nguyễn Mai Hương (lớp 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) phấn khởi cho biết: “Năm học tới, em sẽ tự đạp xe đến trường để mẹ có thời gian chăm sóc em nhỏ và làm rẫy. Em sẽ giữ gìn chiếc xe thật cẩn thận và cố gắng học thật tốt để không phụ sự quan tâm của các cô chú”.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Phước An-Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) thông tin: Số lượng người có uy tín của tỉnh Gia Lai đứng thứ 12 toàn quốc và đông nhất khu vực Tây Nguyên. Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có uy tín góp phần củng cố niềm tin, động viên khích lệ đội ngũ này tích cực phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Tôi mong các đại biểu người có uy tín tiếp tục nêu gương sáng, đi đầu, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” trong cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, văn minh”-bà An bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ người có uy tín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Những năm gần đây, Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, trong đó, người có uy tín đã có những đóng góp rất lớn, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào các dân tộc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đội ngũ người có uy tín tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; cùng cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đặc biệt là công tác phát triển đoàn viên, hội viên...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 20-1-2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21-7-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín; phát huy vai trò giám sát và tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
“Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được, tôi tin tưởng thời gian tới, người có uy tín trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tích cực tham gia thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn năm 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ông R’Ô Kly (buôn Ama H’Lil, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa). Ảnh: Phương Dung
Ông R’Ô Kly (buôn Ama H’Lil, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa):
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trước cộng đồng, tôi luôn gương mẫu trong mọi việc, “nói đi đôi với làm”, sống hòa đồng, gần gũi và quan tâm lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, tôi luôn nhấn mạnh, bà con phải chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; quan tâm giáo dục con cái, không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tham gia hiến đất, ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Bà Đinh Thị Siết (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Phương Dung
Bà Đinh Thị Siết (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ):
Làng Đê Chơ Gang có 120 hộ, trong đó 98% là người Bahnar. Cùng với tuyên truyền người dân đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên trong cuộc sống, tôi chú trọng vận động bà con tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với những gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên về tác hại của tảo hôn; nhắc nhở phụ huynh không để con em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy tham gia giao thông.
Ông Đinh Chôi (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang). Ảnh: Phương Dung
Ông Đinh Chôi-Bí thư Chi bộ, người có uy tín làng Lợt (xã Kông Pla, huyện Kbang):
Làng Lợt có 117 hộ với 466 khẩu, 100% là người DTTS. Khi huyện triển khai mô hình cánh đồng mía lớn tại làng, nhiều hộ dân còn e ngại thì tôi tiên phong tham gia với 7 ha. Sau đó, mình tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu lợi ích khi tham gia mô hình là được doanh nghiệp hỗ trợ giống, công làm đất; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây mía và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm...
Đến nay, 32 hộ dân trong làng đã tham gia mô hình với diện tích 51 ha. Tôi tiếp tục vận động bà con tích cực phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, tôi cũng tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, làng Lợt thời gian qua không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.