TN - Đất & Người

Người cựu binh và hình ảnh Bác Hồ in dấu trong tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Trong thời gian tập kết ra Bắc (1955-1959), ông Phạm Châu (tổ 2, phường An Tân, thị xã An Khê, Gia Lai) may mắn ba lần được gặp Bác Hồ. Hình ảnh giản dị, nụ cười ấm áp, gần gũi và những lời thăm hỏi ân cần của Bác đã in mãi trong tim ông không thể nào quên.
Sinh năm 1930, ở Tây Thuận, Tây Sơn, Bình Định. Năm 1946  ông đã nhập ngũ vào Trung đoàn Trinh sát 120 (Quân khu 5), đến năm 1954 ông Châu được điều chuyển sang Trung đoàn 96. Ngày 24-6-1954 ông cùng đồng đội tham gia trận đánh tại Đak Pơ (huyện Đak Pơ), một chiến thắng chói lọi của quân và nhân dân Tây Nguyên. “Sau trận chiến ở Đak Pơ. Đầu năm 1955 tôi ra Bắc tập kết. Và nhập vào Đại đội Trinh sát thuộc Sư đoàn 324 (Quân khu 4), đứng chân ở tỉnh Nghệ An”-ông Châu cho biết.
Ông Châu luôn khắc ghi trong tim mình lời căn dặn và hình ảnh giản dị, gần gũi của Bác. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Châu luôn khắc ghi trong tim mình lời căn dặn và hình ảnh giản dị, gần gũi của Bác. Ảnh: Ngọc Minh
Dù gần 90 tuổi, nhưng ông Châu khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Khi hỏi về những lần gặp Bác Hồ, ông Châu không chút ngập ngừng, kể vanh vách. Lần thứ nhất là khi ông đang làm nhiệm vụ tại Đại đội Trinh sát thuộc Sư đoàn 324, thì khoảng 4 giờ sáng, vào một ngày của tháng 5 năm 1958, chỉ huy đơn vị đến báo là Đại đội vinh dự được làm hàng rào danh dự bồng súng chào đón Bác Hồ đến thăm đơn vị. “Biết được gặp Bác, nên toàn bộ chiến sĩ trong Đại đội vỡ òa cảm xúc, hò reo vui sướng”-ông Châu nói.
Đúng 5 giờ, Bác Hồ tới. Người giản dị đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo kaki màu trắng, chiếc khăn màu nâu được quàng hờ trên cổ, tránh sương lạnh. “Bác đi rất nhanh, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi, cảm giác rất gần gũi. Bác ân cần hỏi thăm từng người, đặc biệt là những chiến sĩ miền Nam. Bác hỏi “các chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết có nhớ miền Nam không, ăn có no không…”. Sau Bác dặn dò “Nếu nhớ miền Nam thì cố gắng học tập rèn luyện xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; xây dựng Quân đội vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc làm hậu thuẫn xây dựng miền Nam thống nhất đất nước”-ông Châu bồi hồi nhớ lời Bác dặn năm xưa.
Sau lần được gặp Bác tại Nghệ An, ông Châu không nghĩ mình còn có cơ hội gặp Bác Hồ thêm lần nào nữa. “Đầu năm 1959, tôi được đơn vị cho đi học lớp chính trị 3 tháng, ở khu vực Sân bay Gia Lâm (nay Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội). Kết thúc đợt học này sẽ quay trở về miền Nam”-ông Châu chia sẻ. Nhưng chính thời gian học tập tại đây ông Châu tiếp tục gặp Bác Hồ thêm 2 lần nữa. “Đó là thời điểm Bác ra Sân bay đón Tổng thống Ấn Độ sang thăm và một lần Bác từ Liên bang Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (nay Liên bang Nga) trở về. Tất cả những lần tôi gặp Bác, đều cảm nhận được sự ấm ấp, gần gũi của Người dành cho quân và nhân dân; vẫn phong cách giản dị, bộ quần áo kaki trắng, đôi dép cao su và đặc biệt nụ cười hồn hậu của Người xóa tan mọi khoảng cách”-ông Châu nhắc nhớ kỷ niệm khó phai về Bác.
Ông Châu cho biết thêm, trước khi quay về miền Nam, ông và một số cán bộ, chiến sĩ miền Nam được ngồi trên chính chiếc máy bay Liên bang Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết tặng Bác để đi thăm quan một vòng từ Sân bay Gia Lâm, qua Hải Phòng, xuống Nam Định.
Kết thúc đợt ra Bắc tập kết, ông Châu trở về làm trong Ban Cơ yếu của Khu ủy, khu 6 và luân chuyển công tác ở nhiều đơn vị quân đội cho đến năm 1980 nghỉ hưu. Nhớ lời Bác dạy, ông Châu luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Châu được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm