TN - Đất & Người

Người cựu chiến binh gương mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nếu kể về những khó khăn, gian khổ đã trải qua thì nhiều vô kể, nhưng nhìn lại chặng đường gần 41 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, tôi thấy rằng quyết định đi xây dựng kinh tế mới là đúng đắn. Và thành quả của những ngày gian khó đó là 6 người con trai học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định; 11 ha đất canh tác bình quân mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng…”-cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiểu (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) mở đầu câu chuyện.

 Niềm vui tuổi già của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiểu là chăm sóc cây cảnh. Ảnh: A.H
Niềm vui tuổi già của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiểu là chăm sóc cây cảnh. Ảnh: A.H
Ông Phạm Xuân Chiến-Chủ tịch Hội cựu Chiến binh xã Ia Drăng: “Ông Nguyễn Văn Hiểu luôn là người đi đầu trong các phong trào của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động và giúp đỡ nhiều người dân về nguốn vốn, khoa học kỹ thuật... Dù tuổi đã cao, không tham gia công tác Hội nữa nhưng ông Hiểu luôn tích cực tham mưu trong công tác xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, vận động cán bộ, hội viên chấp hành tốt chủ trương về xây dựng nông thôn mới…”.

Tham gia quân ngũ khi vừa tròn 22 tuổi và đối diện với bom đạn kẻ thù trong suốt 10 năm sau đó nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Văn Hiểu (người con của vùng đất Nam Định) tỏ ra run sợ. Bởi ông cũng như bao đồng đội đều mang trong mình nỗi căm thù bọn giặc cướp nước. Dẫu vậy, ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, phục viên trở về địa phương, trên cơ thể ông cũng còn ghim vài mảnh đạn… “Năm 1972, tôi tham gia vận chuyển đạn ở đơn vị VZ3-Đoàn 210 phục vụ chiến dịch Bình Long (tỉnh Bình Phước) thì bị địch tập kích, một mảnh đạn C103 do địch bắn vào xe văng ra và ghim vào cánh tay cho đến nay”-ông Hiểu nhớ lại. Mỗi khi trái gió trở trời, những mảnh đạn còn sót lại trên cơ thể khiến ông cứ bị đau nhức suốt…

Về quê vài tháng thì ông Hiểu cưới vợ. Rồi ngay sau đó (tháng 11-1976), địa phương có đợt vận động thanh niên tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông cùng hàng trăm thanh niên khác lại hăng hái lên đường. Trước ngày đi, ông hứa với cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con lối xóm, dù khó khăn đến đâu cũng giữ vững lập trường và kiên trì bám trụ! “Khi đó, khu vực này rừng núi rất hoang vu, bom mìn sau chiến tranh còn sót lại nhiều cộng với sốt rét rừng… là nỗi ám ảnh chung của tất cả mọi người. Nhiều thanh niên không chịu nổi gian khổ đã bỏ về”-ông Hiểu chia sẻ. Với vai trò là Đại đội phó Đại đội 29, trực tiếp quản lý hơn 100 thanh niên, ông Hiểu cùng nhiều cán bộ khung ra sức vận động, giúp mọi người ổn định tư tưởng, rồi dựng lán trại, bắt tay vào khai hoang, mở đất. Cũng trong lúc nhiều thanh niên lung lay tư tưởng, quyết định quay trở về quê hương thì ông lại làm điều ngược lại là đưa vợ con từ Nam Định vào để gắn bó lâu dài với mảnh đất… “khỉ ho cò gáy”! Thời điểm đó, ông là cán bộ kỹ thuật, còn bà là y tá của nông trường. Cứ 6 giờ sáng, ông đã có mặt tại vườn cây để hướng dẫn công nhân trồng trọt và chỉ ra về khi mọi người đã về hết. “Vậy thời gian đâu để bác phát triển kinh tế gia đình?”. Trả lời cho câu hỏi ấy của tôi, ông Hiểu bộc bạch: “Đêm nào vợ chồng tôi cũng cặm cụi cuốc đất, ươm cây giống, trồng thêm cây lúa, cây đậu đến 1-2 giờ sáng! Đất đai khi đó rất rộng, chỉ cần có sức khỏe và chịu khó một chút thì không phải ăn cơm độn”. Có thời điểm, gia đình ông thu được cả tấn thóc và nhờ số thóc ấy, gia đình ông đã có thêm tiền để xây dựng nhà cửa khang trang hơn.

Vốn là một cán bộ kỹ thuật của nông trường nên khi phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển, ông cũng mạnh dạn tự ươm-ghép cây giống và trồng trên diện tích 22 ha đất của gia đình. Nhờ có kinh nghiệm, kỹ thuật nên vườn cao su của gia đình ông ngày một xanh tốt, nhưng vì không đủ sức cáng đáng, cuối năm 1998, ông bàn với vợ bán bớt 11 ha và chỉ tập trung phát triển diện tích còn lại. “Sau này, tôi chặt bớt cao su, chuyển 4 ha sang trồng cà phê, 1 ha sang trồng hồ tiêu. Vài năm trở lại đây, giá mủ cao su khá thấp, vì vậy, gia đình đang có dự định chuyển hết 6 ha cao su còn lại sang trồng cà phê”-cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiểu cho hay. Theo ông Hiểu, thời điểm cà phê, hồ tiêu, cao su được giá, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 500-600 triệu đồng. Cũng nhờ cà phê, hồ tiêu, cao su, kinh tế của gia đình ông ngày một khấm khá; không chỉ xây nhà cửa rộng rãi, khang trang, ông còn mua được cả ô tô để đi đây đi đó.

Nghỉ hưu ở tuổi 60 (năm 2003), ông Hiểu vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, từ Phó Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn Hợp Hòa, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn và hiện tại ở tuổi 74, ông đang giữa vai trò Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã.

 Anh Huy

Có thể bạn quan tâm