(GLO)- Hơn 10 năm nay, điều dưỡng Lê Văn Sỹ đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng Trạm Y tế phường Tây Sơn trở thành một điểm sáng của ngành Y tế TP. Pleiku về triển khai vườn thuốc nam và khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Nhiều loại dược liệu quý được ông Sỹ sưu tầm, chăm sóc kỹ lưỡng. Ảnh: Đức Phương |
Đang giữa mùa hanh khô, Phố núi Pleiku đầy nắng và gió nhưng vườn thuốc nam của Trạm Y tế phường Tây Sơn vẫn xanh um, tươi tốt. Sức sống diệu kỳ của hơn 40 loại cây thuốc trong mảnh vườn rộng gần 250 m2 bên hông Trạm Y tế phường là thành quả lao động của điều dưỡng Lê Văn Sỹ hàng ngày siêng năng chăm tưới.
Từ 10 năm nay, sau khi được tiếp thu kiến thức qua lớp đào tạo định hướng y học cổ truyền do ngành Y tế tổ chức, điều dưỡng Lê Văn Sỹ được lãnh đạo Trạm Y tế phường Tây Sơn phân công chuyên trách mảng y học cổ truyền. Ông Sỹ đã tham mưu cho lãnh đạo Trạm Y tế và UBND phường Tây Sơn xây dựng kế hoạch triển khai các kỹ thuật của y học cổ truyền như: châm cứu và xoa ấn huyệt vào điều trị bệnh và xây dựng vườn thuốc nam để sử dụng chữa trị các bệnh thông thường.
Tận dụng mảnh đất trống bên cạnh Trạm Y tế, ông Sỹ dọn dẹp sạch sẽ và trồng các loại cây thuốc nam. Hễ đi đâu, đến nhà ai chơi ông cũng để ý xem xét các loại cây cỏ nếu phát hiện là vị thuốc, ông liền xin giống về trồng. Đến nay đã có hơn 40 loại cây thuốc khác nhau, có loại rất quen thuộc như: đinh lăng, sả, tía tô, gừng, sâm đại hành… nhưng cũng có những loại khó gặp ở Phố núi như: xạ can, huyết dụ, cối xay… Trong vườn, ông Sỹ trồng các loại cây thuốc thành từng khóm riêng biệt và cắm biển ghi tên loại cây, vị thuốc đó rất bài bản, khoa học.
Vườn thuốc nam của Trạm Y tế phường đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân trên địa bàn. Gần như ngày nào cũng có người dân trong phường ghé lại nhờ tư vấn cách dùng hoặc xin một vài vị thuốc trong vườn của Trạm Y tế về sử dụng chữa trị các bệnh thông thường cho gia đình. “Khi thì người ta đến xin nồi lá xông, lúc thì mấy cọng hành, ít lá tía tô về giải cảm. Thậm chí có không ít người ở nơi xa như ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) hay thị trấn Ia Ly (huyện Chư Pah) nghe tin ở Trạm Y tế phường có loại cây thuốc mình cần cũng tìm đến để xin về nhà sử dụng và nhân giống về trồng để phòng khi cần đến”-ông Sỹ cho hay.
Cùng với đó, ông Sỹ tham mưu với lãnh đạo Trạm Y tế phường phối hợp với Hội Chữ thập đỏ vận động người dân trồng cây thuốc nam trong vườn nhà để vừa làm cây cảnh, vừa làm vị thuốc tự chữa trị các bệnh thông thường. Sau nhiều năm triển khai trồng cây thuốc nam như một loại cây cảnh đã trở thành một phong trào thu hút hàng trăm gia đình tham gia, nhất là các cụ cao tuổi nhiệt tình, hưởng ứng. Các loại cây thuốc như: đinh lăng, xạ can, trác bá diệp, ngũ da bì… được người dân uốn chỉnh tạo dáng bon sai lạ mắt, vừa có hoa đẹp, ưa nhìn đang được trồng nhiều trước sân của các hộ dân.
Trạm Y tế phường Tây Sơn cũng bố trí riêng một góc không gian kê giường bệnh để ông Sỹ châm cứu và xoa ấn huyệt miễn phí cho người bệnh. Chỉ với 2 máy điện châm và 1 đèn hồng ngoại được Nhà nước trang bị, mỗi tháng ông Sỹ tiến hành châm cứu, xoa bấm huyệt cho 12-15 người bệnh. Trong điều kiện kinh phí của Trạm Y tế còn khó khăn, người bệnh phải tự mua kim châm cứu đem đến để sử dụng. Để không bị nhầm lẫn kim châm của người này với người khác nhằm phòng tránh lây lan bệnh, rất cẩn thận ông Sỹ đã tự đi mua các lọ thủy tinh nhỏ về bỏ kim của từng người riêng biệt rồi viết tên lên mảnh giấy dán bên ngoài lọ. “Mỗi đợt châm cứu kết hợp dùng thuốc nam chừng 3-5 ngày tôi sẽ giúp cho người bệnh dứt được cơn đau và đỡ bớt phần nào bệnh tật. Còn muốn điều trị dứt điểm hoặc gặp các bệnh khó, cần đến chuyên khoa sâu thì người bệnh phải tìm đến bệnh viện, chứ khả năng của mình không làm nổi”-ông Sỹ chân thành bộc bạch.
Đã 52 tuổi đời nhưng tinh thần tự học hỏi của ông Sỹ vẫn rất đáng trân trọng. Trên các vách tường bên trong Trạm Y tế phường Tây Sơn, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy có dán rất nhiều bài báo về các loại thảo dược do ông Sỹ tìm tòi, sưu tầm được. Thêm một tấm bìa to bằng hai tờ lịch treo tường được ông Sỹ viết thống kê danh sách một số cây thuốc nam thông dụng về tên thuốc, công dụng, liều dùng… dán ở cánh cửa buồng làm việc để ông hướng dẫn cho người dân khi họ tìm đến.
Ngoài làm việc ở Trạm, gần đây ông Sỹ còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia châm cứu, ấn huyệt cho bệnh nhân tại phòng mạch chẩn trị y học cổ truyền miễn phí trên địa bàn TP. Pleiku.
Sự quan tâm chăm sóc ân cần của ông Sỹ đối với người bệnh trong những năm qua không chỉ giữ được sự quý trọng của bà con khối phố, mà còn có được sự vị nể của nhiều đồng nghiệp. Lương y Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho rằng: Bằng các việc làm thiết thực của mình, ông Lê Văn Sỹ đã cùng với các cán bộ Trạm Y tế phường Tây Sơn triển khai tích cực và có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như chỉ đạo của tỉnh, của ngành Y tế về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới”.
Đức Phương