Những ngày gần đây, hàng chục người dân ở buôn Dlie, xã Đác Nuê, huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc, liên tục kéo nhau vào tiểu khu 1408, xã Đác Nuê chặt phá cây trồng của Công ty Agri Lắc nhằm chiếm đất để sản xuất. Theo người dân, dù biết việc làm của mình là sai nhưng không còn cách nào khác.
Một khu vực trồng cao-su của Công ty Agri Lắc bị người dân chặt phá, gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Nguyễn Hoài Bão
Để ổn định tình hình, Công an huyện Lắc đang phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền địa phương vận động người dân quay về, đồng thời khẩn trương điều tra làm rõ vụ hủy hoại tài sản.
Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân buôn Dlie, xã Đác Nuê, huyện Lắc thường xuyên kéo khu vào tiểu khu 1408, xã Đác Nuê, ngăn cản Công ty Agri Lắc tổ chức trồng rừng trên diện tích liên kết với Công ty Lâm nghiệp Lắc. Đỉnh điểm là ngày 11, 13 và 17-4 vừa qua, Công ty Agri Lắc triển khai các máy múc lên khu vực khoảnh 9, tiểu khu 1408 tiến hành xử lý thực bì, dọn gốc cây để kịp tiến độ trồng rừng năm 2019 theo chỉ đạo của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lắc.
Tuy nhiên, có khoảng 17 đối tượng ở buôn Dlie cầm mã tấu, dao phát, gậy tre xông vào xô xát với lái xe, cản trở đe dọa không cho thi công.
Nhận được tin báo, cán bộ xã Đác Nuê phối hợp Công an huyện Lắc và ban tự quản buôn Dlie đã đến hiện trường tuyên truyền, vận động các đối tượng về hành vi của mình là trái pháp luật nhưng các đối tượng không chấp hành và có những lời thách thức, kiên quyết không cho Công ty Agri Lắc thi công. Các lực lượng chức năng của huyện, xã kiên trì vận động, thuyết phục người dân trở về buôn làng để bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
Có mặt cùng nhóm người kéo nhau ra tiểu khu 1408, bà H’Khanh Pangtin, một người dân ở buôn Dlie, xã Đác Nuê cho rằng: “Chính quyền địa phương đã hứa cấp đất sản xuất cho người dân trên diện tích công ty bàn giao, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong buôn thiếu đất sản xuất, không biết làm gì để sinh sống và nuôi con ăn học nên tiếp tục kéo ra đây chặt phá cây trồng để lấy đất sản xuất. Không phải người dân chúng tôi làm khó chính quyền địa phương, nhưng vì chính quyền chậm cấp đất khiến cuộc sống của bà con quá khó khăn nên buộc phải làm vậy”.
Cũng có mặt tại hiện trường phá hoại cây trồng của Công ty Agri Lắc, anh Y Ba Bkrông, trú buôn Dlie, xã Đác Nuê bức xúc: “Chúng tôi là người dân tộc bản địa ở đây, nhưng lại thiếu đất sản xuất, hằng ngày phải đi làm thuê để sinh sống. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương hứa sẽ cấp đất cho những hộ thiếu đất trên diện tích đất thu hồi của Công ty Agri Lắc, nhưng chờ mãi năm này qua năm khác, đến nay, vẫn chưa được cấp đất sản xuất, cuộc sống hết sức khó khăn, trong khi đó, vụ sản xuất mới đang đến gần. Vì vậy, để có đất sản xuất, người dân chúng tôi phải kéo nhau đến đây chặt phá cây trồng lấy đất sản xuất chứ không còn cách nào khác, mặc dù chúng tôi vẫn biết việc làm của mình là sai”.
Theo thống kê của Công ty Agri Lắc, từ năm 2016 đến nay, đã có 57 ha cây trồng bao gồm keo lai và cao-su của công ty bị người dân chặt phá, trong đó cây cao-su đã sắp cho thu hoạch mủ với tổng thiệt hại gần sáu tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều vụ tranh chấp, người dân còn hung hăng mang theo dao, rựa, mã tấu tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của công ty khiến nhiều người bị thương. Những vụ phá hoại tài sản, công ty đều báo cáo cho cơ quan chức năng địa phương nhưng đến nay không được xử lý, khiến công ty hết sức lo lắng.
Ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc Công ty Agri Lắc cho biết, thực hiện chỉ đạo của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lắc, ngày 30-5-2018, công ty đã chấp nhận bàn giao hơn 39 ha đất mà chưa tính toán chuyện bồi thường cho Công ty Lâm nghiệp Lắc để bàn giao về cho chính quyền xem xét bố trí đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa cấp đất nên người dân tiếp tục gây sức ép, hủy hoại nhiều diện tích cây trồng khiến doanh nghiệp khốn đốn. Công ty mong muốn chính quyền địa phương sớm có biện pháp xử lý dứt điểm vần đề này để doanh nghiệp yên tâm trồng rừng.
Theo một lãnh đạo Huyện ủy Lắc, trước đây, nhiều hộ dân buôn Dlie, xã Đác Nuê cũng được cấp đất ở, đất sản xuất theo chương trình 132, 134 của Chính phủ, nhưng sau đó họ đã bán. Sau khi thu hồi 38,3 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1408, huyện sẽ rà soát lại xem hộ nào thực sự thiếu đất thì bố trí. Tuy nhiên, trong thời gian rà soát thì người dân kéo nhau ra tranh chấp, chặt phá cây trồng của doanh nghiệp gây sức ép với chính quyền, làm mất an ninh trật tự. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn xử lý chưa kiên quyết, dứt điểm khiến tình hình càng trở nên phức tạp.
Thực tế trong những năm qua, đã có nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với doanh nghiệp, giữa người dân với chủ rừng ở Đác Lắc dẫn đến nhiều vụ án mạng. Từ thực tế đó, rất mong các cấp, các ngành của tỉnh Đác Lắc và huyện Lắc sớm vào cuộc giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân ở buôn Dlie để người dân ổn định cuộc sống và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Nguyễn Hoài Bão (NDĐT)