Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya 2024

Người dân Chư Đang Ya hòa cùng lễ hội

Trong không khí rộn ràng của Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 đang diễn ra, người dân địa phương cũng hân hoan hòa vào lễ hội theo cách riêng của mình.

Gần chục năm nay, du khách đến tham quan núi lửa Chư Đang Ya đã quen thuộc với hình ảnh đội xe ôm ngày ngày túc trực dưới chân núi, sẵn sàng đưa du khách chinh phục đỉnh núi này và ngắm nhìn thiên nhiên rộng mở từ trên cao.

z6010303623898-ec0834eebbc3ed8edebb052044cf81f7.jpg
Người dân sáng tạo vỏ xích bọc ngoài lốp xe để giảm trơn trượt, đảm bảo an toàn cho cả bản thân và du khách khi di chuyển lên núi Chư Đang Ya. Ảnh: Mộc Trà

Với độ dốc của cung đường lên núi, cộng với độ trơn trượt mỗi độ trời mưa, người dân địa phương đã sáng tạo thêm phụ kiện bọc ngoài cho 2 bánh xe máy. Đó là những chiếc "vỏ xích" tăng độ ma sát, giúp bánh xe bám chặt hơn vào mặt đường trong quá trình di chuyển.

Anh Nguyễn Quang Chinh (31 tuổi; làng Kó, xã Chư Đang Ya) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa hoa dã quỳ, chúng tôi lại chuẩn bị phương tiện để phục vụ du khách. Ngoài mục đích có thêm khoản thu nhập, chúng tôi cũng mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch có thể trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn cảnh sắc tươi đẹp của quê hương mình".

Theo anh Chinh, đội xe ôm năm nay có 20 người. Trong đó, 10 người có nhiệm vụ chào mời khách tại bãi xe dưới chân núi và chở du khách lên đến đỉnh núi Chư Đang Ya. Trong khi đó, 10 người còn lại sẽ túc trực ngay trên đỉnh núi để chở du khách quay trở xuống.

Vào mùa khô, mỗi chuyến xe ôm có giá 50.000 đồng/khách. Còn vào mùa mưa, do đường trơn trượt, gây khó khăn cho việc di chuyển nên mỗi chuyến xe ôm sẽ có giá 100.000 đồng/khách (bao gồm tiền thuê giày ủng).

Dù thân hình nhỏ nhắn, song chị Nguyễn Thị Bích Thủy (32 tuổi; trú tại làng Kó) đã có 7 kinh nghiệm làm tài xế chở khách tham quan núi lửa Chư Đang Ya.

“Những năm trước, thời tiết rất đẹp nhưng năm nay lại có mưa. Chúng tôi phải sửa xe và sử dụng xích bọc ngoài lốp để giảm trơn trượt, đảm bảo an toàn cho cả bản thân và du khách”-chị Thủy nói.

Cũng theo chia sẻ của chị Thủy, những ngày bình thường lượng khách khá thưa vắng. Cả đội có khi chỉ chở được 3-5 người. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để đổ xăng.

Đến mùa kễ hội, khi hoa dã quỳ nở rộ thì lượng khách bắt đầu đông lên. Đây cũng là thời điểm "ăn nên làm ra" của cả đội. Tuy nhiên, sau khi lễ hội khép lại, khách cũng vơi dần. Các thành viên lại trở về với công việc đồng áng thường nhật.

Hình ảnh các bác tài không ngại nắng gió, vừa lái xe chở khách vừa giới thiệu cho họ nghe về vùng đất Gia Lai đầy trầm tích văn hóa-lịch sử đã để lại ấn tượng đẹp cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Chị Trần Thị Anh Đào (du khách đến từ quận 10, TP. Hồ Chí Minh) hào hứng cho hay: "Được bạn bè ở TP. Pleiku rủ rê lên chơi lễ hội hoa dã quỳ nên tôi đã sắp xếp công việc để đến khám phá Gia Lai vài ngày. Dịch vụ xe ôm của người dân địa phương rất tiện lợi cho du khách. Trên đường đi, tôi không chỉ được ngắm hoa, ngắm cảnh núi rừng mà còn được nghe anh tài xế kể nhiều câu chuyện thú vị về sự tích Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya... Với tôi, đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ".

Ngoài đội hình xe ôm của người lớn, những em bé bản địa cũng hòa mình cùng ngày hội bằng những vòng hoa kết.

6c42772bc39b7bc5228a.jpg
Để giữ vẻ đẹp của những triền hoa phục vụ lễ hội, lũ trẻ làng thường chọn hái rải rác và không phá vỡ những khóm hoa đẹp hay bẻ cành. Ảnh: Lạc Hà

Khi màn sương sớm còn chưa tan, lũ trẻ các làng Ia Gri, Kó, Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đã rủ nhau đến chân núi lửa. Đứa nào cũng cầm trên tay vài chục sợi thép mỏng, tìm hái những bông dã quỳ to đẹp để kết thành vòng hoa đội đầu xinh xắn bán cho du khách sử dụng chụp ảnh với giá 10.000 đồng/vòng. Để giữ vẻ đẹp của những triền hoa phục vụ lễ hội, lũ trẻ thường chọn hái rải rác và không phá vỡ những khóm hoa đẹp hay bẻ cành.

Bên một bụi dã quỳ, Toet (11 tuổi, làng Xóa) cố rướn thân hình bé nhỏ của mình để với hái những bông dã quỳ trên cao. Sau khi sở hữu được "thành phẩm", Toet cười toe nói: "Mùa này, em tranh thủ những buổi không đến lớp để đi hái hoa, kết vòng bán cho khách du lịch. Số tiền kiếm được, em bỏ hết vào heo đất để dành mua cây bút, cuốn vở đi học, đỡ đần cho cha mẹ”.

e26346abf31b4b45120a.jpg
Toet (bìa trái) cùng lũ trẻ làng ở Chư Đang Ya bên những thành phẩm vòng hoa dã quỳ vừa kết. Ảnh: Lạc Hà

Tương tự, Cương (13 tuổi, làng Ia Gri) cũng xin bố mẹ theo anh chị lớn trong làng đi hái hoa bán cho du khách. Cương cho hay, em đã bán vòng hoa được 2 năm nay. Vào những ngày bình thường, Cương chỉ bán được từ 2-4 vòng. Đến mùa cao điểm của du lịch, lượng khách đến tham quan núi Chư Đang Ya tăng lên nên em bán được nhiều hơn, từ 10-20 vòng hoa. “Nhiều cô chú khi mua vòng còn cho thêm tiền nữa và động viên em cố gắng học hành. Em vui lắm!”-Cương rạng rỡ kể.

Bên cạnh những thảm vàng rực rỡ của hoa dã quỳ, khi đến với Chư Đang Ya mùa này, du khách còn bị thu hút bởi những gian hàng ẩm thực mang đậm nét đặc trưng của vùng núi Tây Nguyên.

Để tham gia sự kiện Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm nay, nhiều đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã tất bật chuẩn bị từ khá sớm. Từ các món ăn truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số như cơm lam, thịt nướng, thịt xiên, lụi, gỏi, rượu ghè cho đến các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản, OCOP... đều đủ sức "níu chân" du khách.

8f2fb71986aa3ef467bb.jpg
Một gian hàng gà nướng, cơm lam tại lễ hội. Ảnh: Lạc Hà

4 năm qua, mỗi khi đến dịp lễ hội, gia đình bà Ayeh (làng Kó, xã Chư Đang Ya) lại đến chân núi lửa để phục vụ du khách những món ăn truyền thống của người Jrai.

Năm nay, dự kiến lượng người đổ về tham quan khá đông nên bà và các con đã nhanh chóng tìm mảnh đất trống, có nhiều bóng mát và chuẩn bị "đặc sản" để bày bán. Bà khoe: "Tôi đã chuẩn bị khoảng 30 thanh lồ ô để làm cơm lam, 5 ché rượu cần, 50 kg gạo nếp, 60 con gà nướng để phục vụ cho khách trong suốt tuần lễ hội".

img-4590.jpg
Bà Ayeh (đứng) cùng con gái dựng gian hàng ẩm thực truyền thống của gia đình. Ảnh: L.H

“Chúng tôi muốn giới thiệu những món ăn truyền thống của người dân tộc Jrai, để du khách hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của chúng tôi. Mỗi món ăn không chỉ mang hương vị độc đáo, mà còn chứa đựng tâm huyết và tình cảm của người dân nơi đây"”-chị Măng (con của bà Ayeh) khẳng định.

Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) với nhiều hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, hấp dẫn. Đáng chú ý là Chương trình nghệ thuật "Vũ khúc Dã quỳ-Chư Đang Ya 2024) diễn ra vào tối 9-11 với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng trên một không gian sân khấu hoành tráng và đậm chất Tây Nguyên-Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm