Người dân Gia Lai chuẩn bị đón Tết giữa mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thích ứng với trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch, ngày 10-2 (tức 29 Tết), nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tranh thủ mua sắm, làm bánh, mứt và trang hoàng nhà cửa để chào đón năm mới Tân Sửu. Không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc vẫn khá tất bật và nhộn nhịp dưới mỗi nếp nhà.
Thị trường Tết “ấm" dần
Sáng 29 Tết, nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện những cơn mưa nhẹ, tiết trời cũng trở nên se lạnh hơn. Tuy nhiên không vì thế mà làm vơi đi không khí chộn rộn của ngày cuối năm. Tại Phố núi Pleiku, dòng người đổ xuống đường trở nên đông đúc hơn. Người thì mua hoa, ngũ quả để bày biện bàn thờ gia tiên; người thì chọn những cành hoa, chậu cảnh thật đẹp để mang sắc xuân về điểm tô cho ngôi nhà của mình.
2- Nhiều người dân ở TP. Pleiku vẫn đội mưa đi chợ mua sắm trong ngày 29 Tết. Ảnh: Trần Dung.
Nhiều người dân ở TP. Pleiku đội mưa đi chợ mua sắm trong ngày 29 Tết. Ảnh: Trần Dung
“Lâu lắm rồi ở Pleiku mới lại đón cơn mưa nhẹ vào ngày giáp Tết. Không khí này khiến tôi nhớ quê hương miền Bắc của mình. Hôm nay là ngày chính thức được nghỉ làm nên tôi mới bắt đầu đi mua sắm. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi và gia đình vẫn nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-dịch khi ra đường như: đeo khẩu trang, sát khuẩn, tránh tiếp xúc gần…”-chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ.
Với những người buôn bán, những ngày cuối năm là lúc tập trung đón khách, tiêu thụ hàng hóa Tết. Bà Trần Thị Mai (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Vì nhập bánh kẹo về khá nhiều để bán Tết nên những ngày qua tôi rất lo lắng vì không bán được. Rất may là dịch bệnh trong tỉnh phần nào đã được kiểm soát, sáng nay, lượng người đến mua sắm khá đông. Chúng tôi giờ mới thật sự cảm nhận được không khí Tết”.
Hoa và cây cảnh vẫn là mặt hàng được người dân tại khu vực phía Đông tỉnh ưu tiên chọn mua trong ngày giáp Tết. Ảnh: Ngọc Minh.
Hoa và cây cảnh là mặt hàng được người dân tại khu vực phía Đông tỉnh ưu tiên chọn mua trong ngày giáp Tết. Ảnh: Ngọc Minh
Tương tự, tại khu vực phía Đông tỉnh, thị trường cũng đã “ấm” hơn trong ngày giáp Tết. Theo ghi nhận của P.V, hoa và cây cảnh là những mặt hàng được nhiều người ưu tiên chọn mua nhất.
Vừa cố định chậu quất cảnh cho thật chắc chắn trên yên xe để chở về, chị Vũ Mai Quỳnh Nga (thôn Cửu Đạo, xã Tú An, thị xã An Khê) cho hay: “Những năm trước, gia đình tôi thường kết hợp đi chơi đêm Giao thừa rồi mua sắm hoa, cây cảnh. Nhưng năm nay, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp quá, phải hạn chế tập trung đông người nên nhân việc đi giao hàng ngoài trung tâm thị xã, tôi tranh thủ ghé chợ hoa Tết chọn mua luôn. Hy vọng năm mới dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để bà con đón Tết cổ truyền vui tươi, ấm áp hơn”. 
Người dân chọn mua quả sung để chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên dịp Tết. Ảnh: Hồng Thi.
Người dân chọn mua quả sung để chưng mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên dịp Tết. Ảnh: Hồng Thi
Còn chị Võ Thị Thúy Dân (thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Nhà cửa tôi đã dọn dẹp xong, giờ mua hoa và trái cây về trang trí, sắp xếp bàn thờ gia tiên nữa là đủ. Dù dịch bệnh nhưng nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị đón Tết một cách trọn vẹn nhất có thể. Tất nhiên, công tác phòng-chống dịch bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu”.
Duy trì hương vị Tết truyền thống
Chị Trần Thị Thu Huyền làm món mứt dừa cho ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Giang
Chị Trần Thị Thu Huyền (tổ 9, thị trấn Kbang) làm món mứt dừa cho ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Giang
Ngày 29 Tết cũng là thời điểm nhiều gia đình bắt tay làm các loại bánh, mứt để đón năm mới. Dành thời gian chăm chút cho món mứt dừa của gia đình, chị Trần Thị Thu Huyền (tổ 9, thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho biết: “Năm nào mấy chị em trong xóm cũng tập trung làm khá nhiều loại mứt như gừng, cà rốt, khoai lang, me nhưng nhiều nhất vẫn là mứt dừa. Thế nhưng, năm nay, do hạn chế tập trung đông người nên tôi làm một mình với số lượng ít để sử dụng trong gia đình và biếu bố mẹ, họ hàng”. 
Còn với bà Hoàng Thị Thơm (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) thì những món bánh ngọt truyền thống như bánh in, bánh thuẫn là cả một trời tuổi thơ đáng nhớ. Đó cũng chính là lý do nhà bà luôn có bánh in, bánh thuẫn trên bàn tiệc trà đãi khách trong những ngày Tết. “Năm nay, các cháu được nghỉ học sớm, về quê ăn Tết với ông bà nên những chiếc bánh của vợ chồng tôi có thêm bàn tay bé xíu nhào nặn, vị bánh vì vậy càng thêm ngon ngọt”-bà Thơm hạnh phúc chia sẻ.
 Gác lại việc đồng áng, người dân ở xã biên giới Ia Krai (huyện Ia Grai) tranh thủ gói bánh chưng, bánh tét cho dư vị ngày Tết thêm ấm cúng, đủ đầy. Ảnh: Nguyễn Tú.
Gác lại việc đồng áng, người dân ở xã biên giới Ia Krai (huyện Ia Grai) tranh thủ gói bánh chưng, bánh tét cho ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Tú
Tại xã biên giới Ia Krai (huyện Ia Grai), không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cũng rộn ràng không kém. Gác lại việc đồng áng, bà con nơi đây tranh thủ gói bánh chưng, bánh tét cho dư vị ngày Tết thêm ấm cúng, đủ đầy.
“Thay vì tập trung gói bánh như mọi năm, năm nay, chúng tôi nhà nào làm ở nhà nấy. Mấy gia đình trong xóm chỉ góp nhau làm một con bê để ăn Tết. Vì dịch bệnh mà không khí Tết có phần trầm hơn các năm trước. Tôi mong sao sang năm mới, dịch Covid-19 được khống chế, cây trồng được mùa, được giá để bà con có cuộc sống đủ đầy hơn”-ông Nguyễn Quốc Trung (thôn 2, xã Ia Krai) kỳ vọng. 
Theo thống kê của Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, từ 11 giờ ngày 9-2 đến 11 giờ ngày 10-2, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông. Hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông chấp hành nghiêm quy định phòng-chống dịch Covid-19. Tại các bến xe trong tỉnh có 112 chuyến xe xuất bến, vận chuyển 1.568 lượt hành khách đi các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; so với cùng kỳ năm 2020 giảm 146 chuyến xe (giảm 56,58%), giảm 2.335 hành khách (giảm 59,82%). Lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 64 trường hợp vi phạm; tạm giữ 1 xe ô tô, 4 xe mô tô, 23 giấy tờ các loại, tước 1 giấy phép lái xe có thời hạn; xử phạt 55 trường hợp với số tiền 19 triệu đồng.
NHÓM PHÓNG VIÊN