Đô thị

Không gian sống

Người dân Gia Lai phân loại rác sinh hoạt, lợi ích lớn từ thói quen nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn tôi có thói quen phân loại rác thải đã gần 7 năm nay. Việc làm này xuất phát từ một lần đi chợ hoa đêm 30 Tết và bắt gặp hình ảnh chị lao công đang oằn lưng đẩy chiếc xe rác trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Theo đó, bạn tôi bắt tay vào phân loại rác thải, trong đó, túi ni lông, hộp xốp được để riêng ra cho công nhân tới mang đi xử lý; các chai nhựa đựng nước, vỏ lon bia bỏ riêng để bán hoặc cho các con nộp “kế hoạch nhỏ”; rác thải hữu cơ được cắt nhỏ, trộn với các chế phẩm sinh học ủ để bón cho vườn rau. Bạn tôi bảo rằng, việc phân loại rác thải không mất nhiều thời gian nhưng đã giúp giảm lượng rác thải phải mang đi xử lý và gia đình có nguồn phân bón tốt cho vườn rau.

Bà Đỗ Thị Thỉnh (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) trang bị 3 thùng đựng rác để phân loại xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nhật Hào


Mặc dù lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày ít nhưng bà Đỗ Thị Thỉnh (thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn trang bị 3 thùng đựng rác đặt ở một góc vườn nhà. Bà Thỉnh phân thành 3 loại: rác hữu cơ, vô cơ và tái chế. Theo đó, rác hữu cơ được bỏ vào thùng rác riêng rồi mang ra hố trong vườn; rác vô cơ được bỏ riêng để mang đi xử lý và rác thải tái chế được thu gom để đóng góp cho Chi hội Phụ nữ thôn 4 nhằm bán gây quỹ mua quà tặng người nghèo hoặc mua hộp nhựa, giỏ nhựa đi chợ tặng cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Theo bà Thỉnh, hầu hết phụ nữ ở thôn 4 đều đã có ý thức phân loại rác thải, đặc biệt là từ khi Chi hội Phụ nữ triển khai mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni lông” và thành lập Câu lạc bộ Phân loại rác thải.

Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có ý thức phân loại rác thải. Có được kết quả này là nhờ các ngành, đoàn thể nỗ lực tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Đặc biệt, nhiều mô hình, câu lạc bộ được xây dựng đã góp phần làm thay đổi thói quen phân loại rác thải cho người dân như: “Phụ nữ phân loại rác thải tại nhà”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền”… Thông qua các mô hình này, người dân hiểu được tác hại của vấn đề ô nhiễm từ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Dù vậy, việc phân loại rác thải hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ vẫn chưa biết tới khái niệm “phân loại rác thải” hoặc đã biết nhưng “lười” thực hiện. Bên cạnh đó, một số địa phương đã thí điểm triển khai các mô hình phân loại rác thải nhưng hiệu quả không cao.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022. Trong đó có nội dung: hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt có thể bị phạt 500.000-1.000.000 đồng. Do đó, các cấp, các ngành, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi dần hành vi của người dân trong phân loại rác thải tại nguồn nhằm tạo tiền đề tốt trong công tác bảo vệ môi trường.

 

NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm