Bà Phan Thị Hướng sử dụng nước sạch do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV cung cấp. Ảnh: TTXVN phát |
Có mặt tại Thôn 7, xã Lộc Ngãi ngày 10/11, phóng viên TTXVN chứng kiến bà Phan Thị Hướng đang mở vòi nước cấp từ đường ống do Công ty lắp đặt tới tận sân của hộ gia đình này. Bà Hướng cho biết, gia đình bà đang dùng đồng thời cả 2 nguồn nước là giếng đào của gia đình và nước máy do Công ty cung cấp. Tuy nhiên, do dùng nước máy phải trả thêm 80.000 đồng tiền điện nên bà lắp máy bơm hút nước giếng đào của gia đình lên dùng. Thời gian gần đây, do Công ty khai thác gần nhà nên nguồn nước giếng đào bị đục và ô nhiễm. Gia đình bà bất đắc dĩ phải dùng nước của Công ty cấp, nhưng băn khoăn nguồn nước này lấy từ giếng khoan sâu tới 100m, không biết có đảm bảo không… nên gia đình vẫn thích dùng nước giếng đào hơn.
Ông Bế Văn Thắng, Trưởng Thôn 7 (xã Lộc Ngãi) cho biết, thôn có 280 hộ dân, 1.200 nhân khẩu. Từ trước đến nay, bà con đều sử dụng nước giếng đào để sinh hoạt. Thời gian gần đây, do hoạt động khai thác bô xít gây ảnh hưởng tới nước giếng đào của khoảng 80 hộ dân, nhất là năm nay do mưa nhiều, nước bùn ngấm vào các giếng đào. Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2021, Công ty đã khoan 2 giếng, lắp đặt bồn chứa, trụ lọc, ống nước dẫn về tận nhà cho 80 hộ dân này…
Từ đầu tháng 11, do mưa lớn nên một giếng khoan có tình trạng nước đục. Công ty đã khoan giếng mới thay thế, đến nay nguồn nước từ 2 giếng khoan đủ đảm bảo cho 80 hộ dân sử dụng, nước trong. Công ty cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình 1 máy lọc để lọc nước từ nguồn giếng khoan. Vừa qua, Công ty cũng hỗ trợ thôn 6 tháng tiền điện để phục vụ bơm nước từ 2 giếng khoan với số tiền 30 triệu đồng, thôn đã nhận đủ. Cũng theo Trưởng thôn 7, hiện còn 5 - 7 hộ dân không sử dụng nước giếng khoan do Công ty kéo tới nhà mà sử dụng nước giếng đào vì cho rằng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo. Thôn đã vận động người dân sử dụng nước giếng khoan để đảm bảo vệ sinh, đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt.
Vị trí khai thác quặng bô xít tại xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm, Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN phát |
Làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Đức Thái, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV cho biết, việc khai thác bô xít làm nguồn nước bị ảnh hưởng đã được đơn vị lập phương án ngay từ lúc chưa khai thác tại khu vực này. Cụ thể, từ tháng 6/2021, Công ty đã đề nghị Nhà máy nước Bảo Lâm khảo sát để lắp đặt và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại khu vực Thôn 7 song Nhà máy nước cho biết việc lắp đặt nước máy không thể triển khai do khoảng cách xa, địa hình chênh lệch cao độ… Do đó, Công ty chỉ còn phương án khoan giếng. Nước giếng khoan ở độ sâu hơn nhiều so với giếng đào của người dân nên chất lượng nước đảm bảo hơn. Cùng với việc khoan 2 giếng, lắp đặt máy bơm, đặt bồn chứa và hệ thống ống dẫn kéo nước tới tận nhà từng hộ dân, Công ty còn hỗ trợ mỗi hộ dân 1 máy lọc nước.
Cũng theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV, gần đây do thời tiết mưa nhiều nên trong quá trình khai thác quặng, tại khu vực Thôn 7 có tình trạng nước giếng đào của các hộ dân xung quanh bị đục, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương bàn giải pháp khắc phục. Khu vực khai thác ở Thôn 7 chỉ còn 0,8 ha và trong khoảng 1 tuần là hoàn thành khai thác, khi đó sẽ không còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm cũng như tiếng ồn của máy móc tới người dân. Trước mắt Công ty thực hiện khai thác khi trời nắng, chỉ khai thác 1 - 2 ngày trong tuần để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.
Về nguồn nước các giếng khoan hỗ trợ người dân, ông Thái cho biết, các giếng này đang sử dụng nước ở tầng thứ ba, có độ sâu 90 - 100m. Sau khi khoan giếng, Công ty lấy mẫu nước để phân tích, các chỉ số đều đảm bảo, thậm chí chất lượng nước tốt hơn nhiều so với giếng đào trong khu vực. Mới đây khi xảy ra hiện tượng nước giếng đào bị đục và người dân phản ánh nước giếng khoan không đảm bảo, ngày 3/11, Công ty tiếp tục lấy mẫu gửi đi phân tích, xét nghiệm. Ngày 9/11, Trung tâm Phân tích và Đo đạc môi trường Phương Nam ở thành phố Hồ Chí Minh trả Kết quả phân tích cho thấy các chỉ số đều đảm bảo. Phòng Y tế của UBND huyện Bảo Lâm cũng lấy mẫu nước phân tích độc lập, khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.
Ông Bùi Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi xác nhận, người dân địa phương lâu nay sử dụng nước giếng đào có độ sâu từ 10 - 20m. Từ năm 2021, việc khai thác bô xít đã ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm tại một số khu vực ở Thôn 7. Qua phản ánh của cử tri, UBND huyện Bảo Lâm cùng chính quyền xã Lộc Ngãi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV bàn giải pháp khắc phục. Theo đó, Công ty đã khoan 2 giếng nước, lắp đặt tháp nước trên cao, ống dẫn nước về tận nhà 80 hộ dân Thôn 7. Thôn cử người vận hành máy bơm và thu tiền điện. Các hộ dân đóng góp chi trả tiền điện vận hành hai máy bơm, bình quân mỗi hộ từ 80.000 - 200.000 đồng/tháng. Cách đây khoảng 10 ngày, xã nhận được phản ánh của người dân về nước giếng đào bị đục, do ảnh hưởng của khai thác bô xít. Ngay sau khi có phản ánh, UBND huyện Bảo Lâm đã cử Phòng Y tế cùng UBND xã và tổ dân phố vào kiểm tra, đồng thời lấy mẫu của 2 giếng khoan đi xét nghiệm.
Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, tại Thôn 7 có một số hộ dân nói không sử dụng nước giếng khoan do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV cung cấp. Lý do trước tiên là tăng chi phí sinh hoạt (tiền điện). Về vấn đề này, Công ty đã hỗ trợ 6 tháng tiền điện tổng cộng 30 triệu đồng, số tiền này đã chuyển cho thôn.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Thức, nguyên nhân sâu xa khiến một số hộ dân phản ánh với báo chí không muốn sử dụng nước giếng khoan, mà dùng nước giếng đào bị ô nhiễm do liên quan đến công tác thu hồi, đền bù đất. Cụ thể như hộ bà Phan Thị Hướng đề nghị không thu hồi đất và nâng mức bồi thường tài sản trên đất đối với diện tích đã bị thu hồi phục vụ dự án khai thác bô xít. Một số trường hợp khác đề nghị được bồi thường giá trị đất nhưng vì là diện tích đất rừng lấn chiếm nên chỉ có thể xem xét bồi thường tài sản trên đất theo quy định...