TN - Đất & Người

Người dân liều mình vượt suối bằng cáp treo và bè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, người dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn phải sử dụng cáp treo, cầu treo, bè để di chuyển qua dòng suối. Đặc biệt, chỉ với những vật liệu tạm bợ, thô sơ thì việc di chuyển trong mùa mưa bão trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

 Người dân liều mình đi bè qua suối, bất chấp tử thần rình rập. Ảnh: Đức Huy
Người dân liều mình đi bè qua suối, bất chấp tử thần rình rập. Ảnh: Đức Huy



Người và hàng hóa “thi nhau” rớt xuống suối

Vào một ngày giữa tháng 6/2018, chúng tôi đặt chân tới thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là “Dốc cổng trời”). Sở dĩ nơi đây có tên gọi như vậy bởi lẽ, để lên được thôn Ea Rớt người dân phải vượt qua những con dốc cao dựng đứng, vòng quanh núi. Từ trên cao, ngôi làng Ea Rớt hiện ra với những mái nhà xập xệ, được dựng tạm bằng những tấm ván cũ, mục nát. Chúng tôi vào làng vào đầu giờ chiều nên hầu như tất cả những người lớn trong làng đều lên nương rẫy. Những cụ già sức đã yếu, không thể đi làm ngồi thẫn thờ bên bậu cửa trước nhà. Quanh làng chỉ nghe những tiếng trẻ nhỏ ý ới gọi nhau, giữa cái nắng gắt ban trưa.

Với hơn 170 hộ và trên 1.000 nhân khẩu, trong đó 100 % là người dân tộc Mông, điều khó khăn nhất của người dân nơi đây có lẽ là việc di chuyển. Bởi lẽ, những dòng suối mà người dân thường hay qua lại khi mưa xuống nước ngập sâu từ 7-8m nên mọi người phải sử dụng bè tạm để di chuyển. Không chỉ khó khăn khi đi làm nương rẫy, những ngày mưa lớn, học sinh cũng phải sử dụng bè để đến trường nên rất nguy hiểm.

Anh Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết, mặc dù người dân nơi đây biết việc di chuyển bằng bè qua suối vào mùa mưa lũ là rất nguy hiểm, tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh nên họ không còn cách nào khác đành đánh cược tính mạng với dòng nước dữ.

Cũng theo anh Măng, đến mùa mưa trên địa bàn thôn có 4 điểm bị ngập sâu, người dân phải sử dụng bè để di chuyển. Do đó, đã có rất nhiều vụ người dân, học sinh, hàng hóa bị rơi xuống nước. May mắn, đa phần người dân địa phương biết bơi nên chỉ bị trầy sướt, không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, về tài sản người dân đã bị hư hỏng và thiệt hại nhiều.

Theo ước tính của anh Măng, từ năm 2017 đến nay đã có gần 50 xe máy bị rơi xuống suối nên người dân phải thuê người để vớt lên với giá 1 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, nhiều hoa màu, nông sản của người dân bị rơi xuống suối bị nước cuốn trôi, xem như mất trắng.

Đánh cược mạng sống cho “hà bá”

Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc bè được người dân dùng để di chuyển qua suối chỉ được kết bằng dây thừng với những thanh tre, nứa tạm bợ. Bên dưới, người dân sử dụng thùng phuy làm cho chiếc bè nổi trên mặt nước. Để qua được bên kia suối, người dân sử dụng một đầu dây cột vào bè, một đầu dây cột vào thân cây cố định. Trong khi đó, những người đi trên bè không được trang bị bất kì chiếc phao cứu sinh nào.

Anh Vàng Seo Dế (25 tuổi, ở thôn Ea Rớt) cho biết, gia đình anh có 1ha trồng mì bên kia dòng suối. Do đó, mỗi ngày anh đều phải di chuyển bằng bè để qua đấy. Mùa nắng nước cạn thì ít nguy hiểm, nhưng khi vào mùa mưa hai bên bờ suối cách nhau từ 50-70m, sâu từ 7-8m nên hiểm họa luôn rình rập. “Tôi có 3 con nhỏ nên những hôm đi làm không có ai trông nom thì vợ chồng tôi mang các con theo. Phải đi trên chiếc bè tạm bợ vượt qua dòng nước dữ mà không có bất kì thiết bị cứu trợ nào khiến chúng tôi rất lo lắng. Vào mùa nước lớn, chiếc bè chao đảo khiến người trên bè luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi không biết sẽ bị rơi xuống bất cứ lúc nào. Nhưng vì cuộc sống, vì lo cái ăn cái mặc cho các con nên chúng tôi đành nhắm mắt vượt qua”, anh Dế tâm sự.

Đưa ánh mắt hướng về phía dòng suối mà hàng ngày mình vẫn phải đi bè qua, chị Hầu Thị Dua (28 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cách đây vài tháng, chị và đứa con hơn 1 tuổi bị rơi xuống suối. “Tháng 3/2018, trong khi đi làm rẫy, tôi địu theo con nhỏ mới hơn 1 tuổi theo cùng. Khi 2 mẹ con cùng một số người dân lên bè đi được một đoạn thì chiếc bè chao đảo, sau đó toàn bộ người và hàng hóa rơi hết xuống suối. Lúc đó tôi chỉ biết kêu cứu, may mắn chồng tôi nghe được nên nhảy xuống dòng nước đưa 2 mẹ con lên bờ an toàn. Con của tôi khi đó chỉ biết khóc thét lên vì bị uống nước và hoảng sợ. Sau lần đó, tôi cẩn thận hơn, khi nào bè đông người thì đợi đi chuyến sau, chứ không mạo hiểm mạng sống nữa”, chị Dua nhớ lại.

Không chỉ trên địa bàn thôn Ea Rớt người dân phải liều mình đi bè qua suối, tại xã Ea Phê, người dân hàng ngày vẫn đánh cược với tử thần khi phải đu cáp treo qua dòng suối rộng gần 100m. Ông Nguyễn Tài Trung (ở xã Ea Phê) cho biết, cáp và cầu treo được làm tạm bợ bằng những vật liệu thô sơ nên rất nguy hiểm. Mỗi lần đi qua cầu và cáp treo đung đưa, lắc lư nên rất khó di chuyển. Nhiều lần ông và người dân nơi đây bị té rơi xuống suối. “Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi hiện nay là các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ xây cầu cho người dân thuận tiện di chuyển và đảm bảo an toàn tính mạng”, ông Trung nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây nhiều tuyến đường, tuyến suối vào mùa mưa trên địa bàn thôn Ea Rớt bị ngập sâu từ 4-8m nên người dân phải sử dụng thuyền và bè để di chuyển. Việc sử dụng bè thô sơ, tự chế di chuyển vào mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho những người dân nơi đây. Để giúp đỡ và đảm bảo an toàn hơn cho người dân trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương vẫn phải trích kinh phí mua thùng phuy, dây thừng hỗ trợ người dân làm bè để di chuyển qua khu vực ngập nước. Những năm qua chính quyền địa phương thường xuyên kiến nghị lên cấp trên đề xuất khắc phục những điểm ngập nước giúp bà con yên tâm di chuyển trong mùa mưa lũ. Ông Tâm nói: "Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đắp đập tràn 2 điểm bị ngập nước tại thôn Ea Rớt với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do chưa có vốn đầu tư".

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho hay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số vị trí qua sông suối người dân sử dụng bè, cáp tự chế để phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản; các vị trí này hình thành mang tính tự phát, mất an toàn và nguy hiểm khi sử dụng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong quý I/2018, Sở GTVT phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, bổ sung danh mục các cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, thuộc hợp phần cầu – dự án cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRMAP). Theo Sở GTVT, trong thời gian qua, nhất là trước và trong mùa mưa bão Sở luôn đề nghị UBDN các huyện rà soát, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí cầu dân sinh, nhất là các vị trí có cầu tạm. Đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các bè, cáp treo tự chế để di chuyển qua sông suối nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Đức Huy (GiadinhNet)

Có thể bạn quan tâm