(GLO)- Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku phải chịu cảnh sống chung với nguồn nước giếng bị nhiễm dầu, chất lượng nguồn nước không đảm bảo đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt. Trong khi đó, nước sạch thì chưa có, kiến nghị của người dân thì vẫn còn bỏ ngỏ...
Mặc dù biết là vậy nhưng người dân ở các tổ dân phố 3, 4 và 6 cũng đành cam chịu vì không còn sự lựa chọn nào khác...
Sinh hoạt bằng nước nhiễm dầu
Nhiều năm nay, ông Trần Văn Thành phải chịu cảnh sử dụng nguồn nước bị nhiễm dầu trong sinh hoạt. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tại bể lọc nước nhà ông Trần Văn Thành-tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku-đập ngay vào mắt chúng tôi là màu nước đỏ ngầu, mùi dầu xộc ngay vào mũi rất khó chịu, váng dầu loang trên mặt nước. Ông Thành cho biết: “Năm 1984 gia đình tôi chuyển về đây định cư, khi đào giếng thì mới biết nguồn nước bị nhiễm dầu từ thời chiến tranh ngấm xuống. Tôi tìm hiểu thì được người dân ở đây cho biết khu vực này trước đây là sân bay phục vụ chiến tranh thời Mỹ-Ngụy, khu vực này cũng là chỗ đặt kho xăng, dầu phục vụ cho các loại máy bay. Khi chiến tranh thì mọi loại dầu bẩn đều đổ xuống đất và ngấm vào mạch nước ngầm”.
Chỉ cho chúng tôi lớp cát, sỏi, than vừa thay từ bể lọc ra, ông Thành cho biết: “Mỗi tháng tôi đều phải thay một lần, nhiều khi bận quá để muộn vài ngày là nước lại bốc mùi dầu hăng hắc rất khó chịu. Trước đây, khi đào giếng chúng tôi phải dùng dây nối quạt điện thả xuống để đẩy hơi lên, hoặc dùng nhánh cây kéo lên kéo xuống hàng chục lần như vậy thì thợ mới có thể xuống đào tiếp được”.
Còn anh Nguyễn Đức Long (cùng tổ dân phố 4) thì chia sẻ: “Nhà tôi cũng đã đào giếng nhưng rồi cũng bỏ. Gia đình đầu tư khoan giếng sâu tới 100 mét trị giá 40 triệu đồng mà nước vẫn đỏ ngầu, mùi dầu và váng dầu bám đầy quanh bể, không sử dụng được”. Gia đình anh phải đầu tư thêm 30 triệu đồng nữa để xây bể lọc nước, lúc đó mới có thể tạm dùng được. Lo lắng về nguồn nước sẽ ảnh đước đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình nên anh Long đã đem mẫu nước sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak) để kiểm nghiệm. Kết quả cho biết là nguồn nước bị nhiễm dầu, nồng độ sắt… quá lớn. Cán bộ ở đây nói rằng nước này không nên sử dụng, rất độc hại. Còn đối với nước đã qua bể lọc nước thì chỉ khử được khoảng 60% các chất độc hại trong nước. Vậy nên nước này chỉ dùng để tắm giặt, sinh hoạt. Còn nấu ăn hay uống thì đều mua nước bình 20 lít về sử dụng.
Người dân... chờ nước sạch
Nước đã qua bể lọc nước cũng chỉ khử được khoảng 60% các chất độc hại. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Khắc Hùng-Bí thư chi bộ khối phố 4-cho biết: Khối phố 4 có trên 150 hộ dân hiện đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm dầu. Các hộ dân ở đây rất lo lắng về nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe bị nhiễm dầu. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã đào tới 2 lần giếng mà nguồn nước vẫn không sử dụng được. Cá biệt, có nhà phải lấy nước từ suối về để sinh hoạt, nấu ăn. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thông qua các cuộc họp, những lần tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng rồi kiến nghị mãi cũng không được vì chính quyền nói rằng không có ngân sách đầu tư”-ông Hùng bức xúc. Cũng vì lý do đó mà từ trước tới nay người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước được xem là duy nhất này, vì những kiến nghị của người dân đều rơi vào khoảng không “thinh lặng”.
Với những kiến nghị của người dân, bà Nguyễn Thu Hương-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi (TP. Pleiku)-cho hay: “Hiện nay trên địa bàn của phường có nhiều khu phố có nguồn nước bị nhiễm dầu, nhưng nặng nhất là các khu phố 3, 4, 6. Trên địa bàn vẫn chưa có nguồn nước máy nên các hộ dân buộc phải dùng nước giếng. Người dân phải tương trợ nguồn nước lẫn nhau, sử dụng nhờ những giếng nước không bị nhiễm dầu. Bà Hương cho biết, nhiều năm nay, người dân và chính quyền phường đã kiến nghị vấn đề này lên các cấp nhưng đến vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này.
Không biết đến bao giờ thì người dân ở đây mới có nguồn nước sạch sử dụng để khỏi sống trong cảnh lo âu, phập phồng khi hàng ngày phải dùng nguồn nước bị nhiễm dầu này.
Minh Nguyễn