Theo luật sư, người đào được cây gỗ dưới ruộng nhưng tự ý cưa xẻ có thể bị xử phạt do làm thay đổi hiện trạng của tài sản.
Ngày 31.5, ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy (Kon Tum) cho biết hiện Công an huyện này đang tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc cây gỗ mà một người dân đào được dưới ruộng.
Cuộc sống đảo lộn
Kể từ khi phát hiện và đào cây gỗ nằm dưới ruộng, cuộc sống gia đình của ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại TT.Sa Thầy) bị đảo lộn. Công an lập biên bản rồi cơ quan chức năng nhiều lần liên hệ, mời ông lên làm việc.
Cây gỗ mà ông Nam đào dưới ruộng. Ảnh: NVCC |
Ông Nam cho hay, thường ngày ông làm nghề đào đất, cải tạo ruộng thuê cho người dân trong xã. Cuộc sống của gia đình ông Nam cũng không mấy khá giả khi chồng làm nông còn vợ làm thợ may tại nhà. Ngày 23.3 khi đang cải tạo ruộng cho nhà ông A Khái (ở thôn Sơn An, xã Sa Sơn, H.Sa Thầy), ông Nam phát hiện 1 cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6m. Ông Khái đã thỏa thuận để ông Nam lấy cây gỗ thay cho tiền công cải tạo ruộng.
Sau đó, ông Nam đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên để về làm đồ gia dụng.
Nhận được trình báo của ông Nam, UBND xã Sa Sơn đã tổ chức đến hiện trường xác minh. Qua đó, UBND xã Sa Sơn lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc.
Trong biên bản ghi rõ, ông Nam sau khi đào cây gỗ lên thì báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Để đào cây gỗ dưới lớp đất sâu 6m, ông Nam đã huy động 2 máy múc cùng 5 nhân công. Vì cây gỗ nằm sâu dưới bùn nên việc đưa lên gặp rất nhiều khó khăn. Chiếc máy múc nhiều lần bị chìm, lún xuống bùn nên phải mất nhiều công sức để đưa máy múc lên bờ. Vì cây gỗ dài, gây khó khăn trong việc trục vớt nên ông Nam phải tiến hành cưa thành 3 khúc để dễ dàng đưa gỗ lên.
Đào gỗ lên hơn 1 tháng nhưng không thấy chính quyền đến xử lý, ông Nam đã đưa về 1 xưởng gỗ để cưa xẻ. Ảnh: NVCC |
Sau 10 ngày liên tục làm việc, ông Nam đã đưa được cây gỗ lên với chi phí khoảng 90 triệu đồng. Ngày 8.4, sau khi đào xong, ông Nam có thông báo cho UBND xã Sa Sơn nhưng cho đến ngày 20.5, vẫn không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, nghĩ rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam liền vận chuyển về 1 xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng.
Tuy nhiên sau đó Công an H.Sa Thầy đã đến xưởng gỗ biên bản tạm giữ cây gỗ trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng. Số gỗ đã cưa xẻ này được đưa về trụ sở Công an H.Sa Thầy để bảo quản trong thời gian xác minh nguồn gốc.
Đồng thời Công an H.Sa Thầy cũng ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… để có căn cứ ra quyết định xử phạt.
Có thể bị xử phạt
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, việc lập biên bản tạm giữ số gỗ trên của cơ quan Công an H.Sa Thầy là hoàn toàn đúng chức năng, thẩm quyền. Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh nguồn gốc số gỗ trên nên chưa thể xác định được hướng xử lý tiếp theo.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số gỗ để xác minh, xử lý. Ảnh: NVCC |
Theo vị lãnh đạo này, việc ông Nam đào cây gỗ lên là không vi phạm pháp luật, nhưng việc tự ý cưa xẻ, vận chuyển cây gỗ trên về xưởng gỗ để chế biến là vi phạm pháp luật và có khả năng sẽ bị xử phạt.
Theo luật sư Dương Lê Sơn (Văn phòng luật sư Lê Sơn, Đắk Lắk), thời gian qua có nhiều trường hợp người dân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm trong lòng đất, lòng nước.
Đối với trường hợp này, người phát hiện tài sản không đương nhiên trở thành chủ sở hữu mà việc xác lập quyền sở hữu sẽ tuân theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người phát hiện tài sản phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu.
Nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong thời gian chờ xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, người phát hiện không được tự ý thay đổi hiện trạng của tài sản.
Trường hợp xác định được chủ sở hữu hợp pháp sẽ trả lại cho chủ sở hữu. Nếu không tìm thấy hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì việc xác lập quyền sở hữu sẽ căn cứ vào giá trị và loại tài sản. Nếu tài sản tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì thuộc về Nhà nước.
Sau khi đào được cây gỗ, cuộc sống gia đình ông Nam đảo lộn. Ảnh: L.K |
Ngược lại, nếu không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Về nguyên tắc, tài sản sẽ được xác lập quyền sở hữu là tài sản sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản. Như vậy, người bỏ ra chi phí tìm kiếm, bảo quản sẽ được hưởng số tiền này nếu đây là chi phí thực tế, phù hợp với điều kiện tìm kiếm…
Theo Điều 30 Nghị định 29/2018, sau khi xác định nguồn gốc, tính chất và giá trị của tài sản, người phát hiện, giao nộp tài sản sẽ được nhận, được thưởng một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản.
Trong vụ việc trên, ông Nam đã thông báo cho chính quyền xã, đề nghị được đào cây gỗ lên và UBND xã đã đồng ý, nên việc ông Nam đào cây gỗ là đúng quy định, không bị xử phạt. Việc ông Nam tự ý xẻ gỗ, làm thay đổi hiện trạng ban đầu thì có bị xử phạt hay không, còn phụ thuộc vào sự đánh giá của cơ quan chức năng về giá trị của cây gỗ sau khi bị xẻ.
“Theo quy định tại điều 21 của Nghị định 29/2018 thì chính quyền cấp xã cần tiến hành lập các biên bản và yêu cầu ông Nam giữ nguyên hiện trạng. Trong vụ việc này, không biết UBND xã có làm không nhưng việc để ông Nam tự ý xẻ gỗ dẫn đến việc công an thu giữ là có thiếu sót”, luật sư Sơn nói.
Theo Đức Nhật (TNO)