"Trước đây, tôi thường xuyên đăng nhập và kiểm tra thông tin mà bạn bè, người thân cập nhật. Nhưng gần đây, tôi hiếm khi làm như vậy, trừ khi muốn biết gia đình, họ hàng đang làm gì", Rully Satria, 20 tuổi, sinh viên đại học ở Padang (Indonesia) chia sẻ thói quen sử dụng Facebook với SCMP.
Rully Satria. Ảnh: SCMP. |
Không chỉ Satria, các sinh viên Đại học Gadjah Mada, một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Indonesia, cho biết họ không còn hứng thú với Facebook và ngừng đăng nhập. Thay vào đó, họ chuyển sang dùng nền tảng khác như Line, Twitter...
Indonesia có dân số 265 triệu người, trong đó khoảng 50% những người ở đội tuổi 19-34 tuổi đang sử dụng Internet. Họ chứng kiến sự bùng nổ Internet toàn cầu và tất nhiên, nhiều trong số đó có tài khoản Facebook. Nhưng riêng 2018, người dùng Facebook mới tại đất nước "vạn đảo" phần lớn lại có độ tuổi 45-55. Một số nước Đông Nam Á khác cũng có xu hướng rời bỏ mạng xã hội lớn nhất thế giới, như Malaysia, Thái Lan...
Không chỉ giới trẻ, các nhân vật nổi tiếng, chính trị gia đang có xu hướng hoạt động tích cực hơn trên mạng xã hội khác. Một chuyên gia cho rằng, việc giới hạn 140 ký tự trên Twitter giúp bài đăng truyền tải thông điệp tốt hơn. Hay như ở Thái Lan, Line có khoảng 32 triệu người dùng nhờ sự đơn giản.
Có khá nhiều nguyên nhân Facebook bị "thất sủng". Một số ý kiến cho rằng nền tảng này ngày càng kém hấp dẫn, thậm chí lỗi thời. Thuật toán ưu tiên gia đình và bạn bè hơn là nội dung thú vị cũng khiến người dùng cảm thấy mệt mỏi.
Facebook chủ yếu dựa trên web, được tối ưu cho máy tính để bàn trong khi xu thế hiện nay là điện thoại thông minh, máy tính bảng... Nếu nhìn sang giao diện di động, dễ thấy tính năng bên trong vẫn còn sắp xếp lộn xộn, làm khó người dùng khiến họ nản lòng, trong khi đối thủ lại tỏ ra ưu việt trên nền tảng này.
Mark Zuckerberg có một năm đáng quên với Facebook. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất là việc thu thập nhiều thông tin cá nhân, dùng cho mục đích không mong muốn, đỉnh điểm là bê bối Cambridge Analytica khiến CEO Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần trước lưỡng viện Mỹ.
Giữa tháng 3-2018, Facebook bị tố làm rò rỉ thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản. Sau đó, mạng xã hội thừa nhận con số lên đến 78 triệu. Chúng được thu thập bởi giảng viên Aleksandr Kogan và bán cho công ty Cambridge Analytica từ năm 2015. Số dữ liệu này sau đó được cho là có tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Thực tế, đứa con tinh thần của Zuckerberg từ lâu bị nghi ngờ đã bán thông tin cá nhân cho công ty quảng cáo, cho phép nhà phát triển truy cập vào lượng dữ liệu người dùng một cách tự do, thiếu kiểm soát. Trong khi đó, các ứng dụng tương tự khác không làm điều này, từ đó mang lại cảm giác riêng tư hơn. "Tôi không muốn họ biết tất cả những thứ về mình", Satria nói.
Tuy vậy, theo Adryz Ariffin, một giám đốc tiếp thị truyền thông xã hội, sự thay đổi không lập tức làm Facebook "chết". Thay vào đó, nó sẽ tác động dần dần và khoảng 5 năm nữa, mạng xã hội của Zuckerberg có thể mất vị trí số một vào tay các ứng dụng khác.
Theo Như phúc (Sohoa/NLĐO)