TN - Đất & Người

Người Giẻ Triêng treo đầu trâu cầu no ấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước mỗi căn nhà của người Giẻ Triêng trên cao nguyên Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đều treo những cái đầu trâu trông rất kỳ dị. Người lạ nhìn thấy sợ nhưng với bà con nơi đây, tục treo đầu trâu là niềm tự hào, mang lại may mắn và ấm no, hạnh phúc mỗi dịp tết đến, xuân về.
Dâng đầu trâu cúng trời
Mùa xuân, cảnh vật và tiết trời tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) lại na ná như một vùng ở Tây Bắc: Đường quanh co men theo từng sườn núi sương giăng, gió lạnh vi vút thổi tê cóng từng đầu ngón tay. Từ trung tâm thị trấn Đăk Glei đi theo hướng Tây tầm 25km là tới xã Đăk Nhoong - đây là nơi còn lưu giữ văn hóa hết sức độc lạ, tục treo đầu trâu.
Đến làng Rót Mẹt đã gần 11 giờ trưa nhưng nơi đây vẫn không có nắng. Xa xa là những căn nhà thấp thoáng hiện ra. Vừa đến làng, dấu hiệu mà chúng tôi mong mỏi tìm kiếm đã hiện ra trong tầm mắt, đó là những chiếc đầu trâu treo lủng lẳng trước mỗi hiên nhà. Điều lạ là lúc theo đường làng gần 200m, qua cả chục ngôi nhà nhưng vẫn không thấy một bóng người, nhà vẫn im ỉm khóa, gió lạnh thổi vi vu. Nhìn kỹ những cái đầu trâu trắng hếu, không còn da thịt, hốc mắt tối sâu khiến tôi không khỏi rùng mình.

Anh Ngót làng Rót Mẹt treo nhiều đầu trâu trước nhà để xua đuổi xui xẻo, tà ma. Ảnh: P.V
Anh Ngót làng Rót Mẹt treo nhiều đầu trâu trước nhà để xua đuổi xui xẻo, tà ma. Ảnh: P.V
"Nguồn gốc đâm trâu cúng trời của người Giẻ Triêng bắt nguồn từ mong muốn của bà con. Làm thịt trâu cúng trời để cầu bình an, cầu sản xuất được mùa, cầu hạnh phúc… Văn hóa của làng thì phải giữ, chỉ mong bà con không đua đòi thịt trâu to, trâu lớn gây tốn kém. Hệ quả của nó sẽ gây đói nghèo".
Ông A Nhập –Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong
May mắn là những bóng người, cư dân nơi đây cũng dần xuất hiện khi đi sâu trong làng. Người đầu tiên tôi gặp là bà Y Len (70 tuổi, một người dân làng Rót Mẹt), trên lưng bà vẫn đang cõng một bó củi to đùng. Bà Y Len bảo, bà vừa đi rẫy về, mùa này người trong làng đi rẫy hết, chiều tối mới về nhà. Bình thường, bà con ít khi ở nhà. Ngay cả trưởng thôn cũng đi vắng.
Qua một hồi bắt chuyện và hỏi về những cái đầu trâu treo trước nhà. Bà Y Len kể: "Ở đây hầu hết các gia đình đều có treo đầu trâu như vậy. Treo đầu trâu để xua đuổi tà ma khỏi nhập vào người".
Theo bà Y Len, tục treo đầu trâu này đã có từ rất lâu. Trước đây, sau mỗi mùa bội thu, bà con đều làm thịt trâu, lấy đầu trâu để cúng trời. Lúc được mùa thì cúng cảm ơn, lúc mất mùa cũng cúng để cầu mùa màng bội thu, cầu cho gia đình không gặp vận xui, cầu hạnh phúc, tránh ma quỷ.
Nhà ở gần đầu làng Rót Mẹt, hiên nhà anh Ngót (40 tuổi) khá nổi bật với 4 cái đầu trâu được treo trước nhà. Anh Ngót tự hào kể: "Đến nay gia đình tôi đã làm 6-7 con trâu rồi. Sau khi mổ trâu cúng để cầu trời phù hộ gia đình được mùa, người mạnh khỏe… thì đầu trâu đưa đem ra treo trước nhà để xua đuổi xui xẻo, khỏi bị ma nhập. Không chỉ cầu được mùa, may mắn, nhà nào có người ốm đau nhiều cũng phải cúng trâu".
Theo anh Ngót, nhiều nhà có người đau ốm mà đi bệnh viện chữa không khỏi cũng về mổ trâu cúng vì cho rằng bị "con ma kéo", cúng nhằm đuổi tà ma. Tùy vào mong muốn của chủ nhà mà lời cầu khấn có nội dung khác nhau. Muốn gì thì cầu trời phù hộ cái đó. Ngày cúng được tổ chức khá linh đình, bà con trong làng tụ tập rất đông làm lễ đâm trâu, đánh cồng chiêng, nhảy múa và uống rượu. Thịt con trâu được xẻ và phân phát cho tất cả các gia đình trong làng.

Hiện nay, bà con Giẻ Triêng đã giảm bớt tình trạng làm thịt trâu để cúng trời. Ảnh: P.V
Hiện nay, bà con Giẻ Triêng đã giảm bớt tình trạng làm thịt trâu để cúng trời. Ảnh: P.V
"Bà con nơi đây có tính cộng đồng rất cao, thịt con trâu được chia đều theo khẩu cho các gia đình, hộ nào cũng được chia phần. Nếu gia đình nào không chia thịt trâu cho mọi người thì sẽ bị làng xa lánh. Sau khi cúng, gia chủ phải kiêng 10 ngày không ăn cá bống, cá trê… để tránh trơn trượt làm ăn thất bại, cầu khấn mất linh"- anh Ngót chia sẻ.
Giữ văn hóa, bỏ dần thủ tục tốn kém
Theo người dân làng Rót Mẹt, treo đầu trâu trước nhà là một niềm tự hào, vừa thể hiện sự thành kính về tâm linh với trời, vừa thể hiện sự hùng mạnh của mỗi gia đình hay của một làng. Nhà nào treo nhiều đầu trâu, chứng tỏ nhà đó càng giàu có, được trời phù hộ. Thế nhưng, so với tình hình hiện nay, phong tục này vô tình trở "vấn nạn" đốt tiền, gây nghèo đói.
Anh Ngót làng Rót Mẹt cho biết, lúc cúng trời phù hộ đòi hỏi phải làm con trâu đực lớn. Nhưng với giá hiện nay, làm thịt 1 con trâu đực đồng nghĩa với tiêu tốn mất 35 triệu đồng. Ngoài tiền thịt trâu, gia chủ phải mua rượu, bia mời bà con trong làng đến ăn uống… Tổng chi phí mỗi đợt cúng trâu như vậy ít nhất cũng mất 50 triệu đồng. Biết giá cả đắt đỏ nhưng vì lý do cầu sức khỏe, mùa màng bội thu và tránh xa ma quỷ nên nhiều gia đình vẫn cố làm thịt trâu.
"Trong làng, bà con thường thay nhau làm thịt trâu và mời nhau ăn uống. Do làm thịt trâu tốn kém quá nên bà con cũng thay đổi cách làm. Thay vì làm thịt cả con trâu, nhiều hộ không làm thịt cả con trâu nữa mà ra chợ mua cái đầu trâu về cúng. Nhà có điều kiện vẫn làm thịt trâu bình thường"- anh Ngót cho hay.
Theo quan niệm xưa nay của người dân Việt Nam "con trâu là đầu cơ nghiệp", là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Do vậy, với người nông dân, tổn thất con trâu đồng nghĩa với ảnh hưởng đến cơ nghiệp, không còn vật kéo cày thay sức lao động.
Nói về phong tục này của người dân trên địa bàn, ông A Nhập - Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết: "Nét văn hóa này của người dân đã có rất lâu rồi, biết là tốn kém nhưng bà con không thể bỏ được. Gần 100% người dân nơi đây đều duy trì phong tục này. Với giá cả như hiện nay, việc làm thịt trâu để cúng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của gia đình người dân. Vấn đề này, xã cũng thường xuyên tổ chức vận động bà con làm tiết kiệm, tránh tốn kém".
Theo ông Nhập, bây giờ bà con cũng biết tính toán thiệt hơn. Hộ nào khó khăn thì ra chợ mua cái đầu trâu về cúng thay vì làm cả con như trước. Hồi xưa, các dòng họ trong làng thường hay thi nhau coi ai làm nhiều trâu hơn để treo đầu trâu ở nhà rông của làng. Nhiều nhà rông, quanh mái nhà bên trong treo chật kín đầu trâu. Nay tình trạng này đã giảm hẳn, bà con thường chỉ cúng và treo đầu trâu trước nhà.
"Nguồn gốc đâm trâu cúng trời của người Giẻ Triêng bắt nguồn từ mong muốn của bà con. Làm thịt trâu cúng trời để cầu bình an, cầu sản xuất được mùa, cầu hạnh phúc… Văn hóa của làng thì phải giữ, chỉ mong bà con không đua đòi thịt trâu to, trâu lớn gây tốn kém. Hệ quả của nó sẽ gây đói nghèo"- ông Nhập nói.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)
https://danviet.vn/nguoi-gie-trieng-treo-dau-trau-cau-no-am-20210217115607184.htm

Có thể bạn quan tâm