Kinh tế

Người nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở tuổi 46, cái tuổi mà nhiều người không còn dám mạo hiểm để bắt tay khởi nghiệp thì anh Hà Thúc Sinh (trú tại 312 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) vẫn mạnh dạn bỏ ra hàng tỷ đồng để mở một cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo, loại dược liệu được coi là cực kỳ quý hiếm và đắt đỏ nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro đối với những ai đầu tư sản xuất.

Cách đây gần 2 năm, trong một chuyến sang Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) chơi, một người bạn của anh Sinh tình cờ gặp Tiến sĩ Trương Bình Nguyên-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thuộc Trường Đại học Đà Lạt. Thời điểm đó, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên và các cộng sự vừa công bố công trình nghiên cứu nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo. Bị hấp dẫn bởi câu chuyện của vị tiến sĩ này, khi trở về, người bạn đã rủ anh Sinh đầu tư vốn mở cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

 

Cơ sở sản xuất rượu đông trùng hạ thảo của anh Sinh. Ảnh: L.H
Cơ sở sản xuất rượu đông trùng hạ thảo của anh Sinh. Ảnh: L.H

Sau khi thống nhất, anh Sinh và bạn nhiều lần lặn lội sang Đà Lạt tìm Tiến sĩ Trương Bình Nguyên để xin được chuyển giao công nghệ nuôi cấy. Những chuyến đi ấy, anh Sinh bảo giống như ngày xưa Lưu Bị 3 lần lặn lội tới lều tranh để mời Khổng Minh ra giúp việc. Chẳng biết có phải vì sự nhiệt tình của anh Sinh và bạn nhưng sau đó, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên đã đồng ý chuyển giao công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu anh Sinh và bạn phải tuân thủ một điều kiện, đó là chỉ được sử dụng các hoạt chất hữu cơ để nuôi cấy. “So với cách nuôi cấy sử dụng khoáng chất vô cơ thì đông trùng hạ thảo nuôi cấy bằng hoạt chất hữu cơ sẽ có tốc độ phát triển chậm hơn, hiệu quả kinh tế thấp hơn nhưng đây là một hướng sản xuất có tính bền vững, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng”-anh Sinh cho biết.

Tháng 5-2015, anh Sinh đứng ra thành lập Công ty TNHH Nấm dược liệu Gia Lai và cùng bạn đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại địa chỉ 05/34/02 Nguyễn Thiếp, tổ 12, phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Đồng thời, anh tuyển 3 kỹ sư sinh học gửi sang nhờ Tiến sĩ Trương Bình Nguyên đào tạo. Anh Sinh cho biết đã phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và mua sắm máy móc thiết bị. Đến tháng 5-2016, cơ sở bắt đầu đi vào hoạt động.

“Việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi những điều kiện rất khắt khe về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và vệ sinh. Khoảng 2 tháng đầu tiên, toàn bộ giống cấy xong đều hư hỏng phải đổ bỏ. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến điều này là do việc hấp vô trùng cơ chất (gồm gạo lứt, nước dừa, bột nhộng) chưa đủ thời gian dẫn đến cơ chất bị nhiễm khuẩn”-anh Sinh cho biết. Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, sau này, mọi công đoạn sản xuất của cơ sở đều được kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Hiện tại, theo anh Sinh, tỷ lệ giống cấy thành công của cơ sở đạt hơn 90%.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của anh HÀ THÚC SINH:
* Không ngại thất bại.
* Chịu khó học hỏi, tìm tòi.
* “Bắt mạch” đúng nhu cầu thị trường.

Sau hơn nửa năm nuôi cấy, mới đây, cơ sở của anh Sinh đã thu hoạch được lứa sản phẩm đầu tiên. Thay vì bán tươi hay sấy khô để đưa ra thị trường, anh quyết định đem ngâm rượu để phục vụ thị trường Tết năm nay. Mỗi chai rượu của cơ sở có dung tích 1 lít, trong đó bỏ 250 gr quả thể đông trùng hạ thảo tươi và được bán với giá 2,5 triệu đồng/chai. “Thời gian tới, bên cạnh việc sản xuất rượu đông trùng hạ thảo, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường sản phẩm quả thể tươi, quả thể khô và viên nang để phục vụ người tiêu dùng”-anh Sinh nói.

Cũng theo anh Sinh, trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo có giá khoảng 135 triệu đồng/kg khô. Trong thời gian tới, Công ty sẽ cố gắng hạ giá thành xuống để những người có thu nhập khá cũng có thể tiếp cận sản phẩm. Loại dược liệu này có thể dùng để ngâm rượu, chế biến món ăn hoặc pha uống như trà với tác dụng được khoa học chứng minh là kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư máu, ung thư phổi, ung thư vú. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo còn có hiệu quả trong chữa trị rối loạn chức năng của gan, hạn chế lão hóa, các chứng viêm tấy… Vì vậy, cơ sở của anh hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Dù kết quả sản xuất còn khá khiêm tốn song có thể khẳng định mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo của anh Sinh đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai. Đặc biệt, mô hình này còn tạo ra cú hích để các doanh nghiệp khác trên địa bàn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chủ trương của tỉnh hiện nay.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm