TN - Đất & Người

Người nuôi cấy thành công nhiều nấm linh chi quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ dùng nấm linh chi Hoàng Chi Nhật Bản mà sức khỏe của ông Phan Ngọc Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Đức Phát Gia Lai (tổ 6, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã cải thiện được rất nhiều sau một thời gian bị bệnh. Từ đó, ông Tuấn đã nghiên cứu nuôi cấy và trồng thành công nhiều loại nấm linh chi quý.

 Ông Tuấn giới thiệu tai nấm linh chi Hoàng Chi Nhật Bản do ông sản xuất. Ảnh: Đ.Y
Ông Tuấn giới thiệu tai nấm linh chi Hoàng Chi Nhật Bản do ông sản xuất. Ảnh: Đ.Y

Là người tâm huyết với cây nấm từ ngày còn theo học ngành Nông nghiệp ở Trường Đại học Đà Lạt, ông Phan Ngọc Tuấn đã trở thành một trong những người đầu tiên trên địa bàn TP. Pleiku nuôi cấy và trồng thành công nhiều loại nấm linh chi. Không chỉ trồng nấm chữa bệnh cho mình, mỗi vụ, ông Tuấn còn nuôi cấy trên 40.000 túi giống nấm linh chi đỏ Hàn Quốc, Hoàng Chi Nhật Bản... bán cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Tuấn cho biết: Nguyên thủy các loại nấm linh chi thường mọc ở trên cây gỗ đã chết trong rừng. Chu trình sống của nấm linh chi cũng giống như các loại nấm khác: bắt đầu từ bào tử sau đó nảy mầm phát triển cho đến 4-5 tháng thì khô tóp và lụi dần. Sau đó, gặp điều kiện thuận lợi, nấm linh chi lại nảy mầm mọc trở lại. Công dụng của nấm linh chi, nhất là nấm Hoàng Chi Nhật Bản, rất tốt để làm dược liệu quý, có tác dụng chống khối u, nhất là phòng-chống các bệnh ung thư.

Tuy nhiên, muốn nuôi cấy nấm linh chi phải thu thập mẫu tự nhiên và cấy giống. “Với giá bán 5.000 đồng/túi giống nấm linh chi, khoảng 60 túi nấm giống mới cho thu 1 kg nấm khô. Trồng khoảng hơn 3 tháng, chỉ mất công tưới là có thể thu hoạch nấm linh chi. Với giá hiện nay 1 triệu đồng/kg nấm linh chi Hoàng Chi Nhật Bản, mỗi kg nấm người trồng thu lời 700.000 đồng”-ông Tuấn cho hay.

Nấm linh chi có giá trị dược liệu rất tốt cho sức khỏe con người. Theo ông Dương Hùng Đỗ-Chủ tịch Viện Công nghệ sinh học miền Nam nếu nấm linh chi được nuôi cấy và trồng đúng kỹ thuật thì rất tốt cho cơ thể. Nhưng ngược lại, nếu nấm linh chi rừng hoặc nhân giống trên các loại cây như gỗ lim thì rất độc. Việc ông Tuấn chọn nguyên liệu nhân giống nấm linh chi từ mùn cưa cây cao su và cấy trên cây mì là rất tốt. Tác dụng của nấm linh chi là ngăn chặn bệnh ung thư, làm sản sinh các loại vitamin, khoáng, đạm cho cơ thể, giải độc gan...

Tại Hội thảo liên kết thị trường 2017 mới đây do Ban Điều phối Trung ương Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tổ chức, sau khi nghe giới thiệu về quy trình nuôi cấy, nhân giống thành công và trồng nhiều loại nấm linh chi của Công ty TNHH một thành viên Hoàng Đức Phát Gia Lai, ông Trần Ngọc Hùng-Giám đốc Ban Điều phối Trung ương Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhấn mạnh: Đây là hướng mở để người nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khác hưởng lợi từ dự án tham khảo và xây dựng các tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế và liên kết thị trường. Cuối năm 2017, Dự án triển khai lập kế hoạch xây dựng các tiểu dự án Leg cho năm 2018, chúng tôi sẽ xem xét về hiệu quả của việc trồng nấm linh chi của ông Tuấn để đưa vào trồng, giúp hộ nghèo tiếp cận với cách làm mới.

Hiện nay, ông Tuấn đang hướng dẫn cho nhiều sinh viên ở các trường Đại học Nông Lâm về thực tập. “Sau 3 tháng thực tập tại trang trại nấm của Công ty TNHH một thành viên Hoàng Đức Phát để làm luận văn về kỹ thuật trồng và nhân giống nấm linh chi, tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm. Sau khi ra trường, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để nuôi cấy và nhân nhiều giống nấm linh chi quý khác nữa”-chị Đặng Thị Linh Trang, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Đà Nẵng-Phân hiệu Kon Tum chia sẻ.

Dù bận cả ngày với trại nấm rộng 2.500 m2 nhưng khi nông dân trên địa bàn tỉnh nhờ hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm linh chi, nấm sò, mèo và nấm rơm, ông Tuấn đều đến tận nơi chỉ việc. Từ năm 2014 đến nay, ông Tuấn đã “cầm tay chỉ việc” cho hàng ngàn lượt nông dân trồng nấm trong và ngoài tỉnh, giúp họ cải thiện thu nhập. Hiện tại, ông Tuấn ấp ủ ước mơ mở rộng diện tích trồng nấm linh chi thông qua Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. “Tôi muốn giúp bà con thoát nghèo nên liên kết với bà con để hướng dẫn cách trồng nấm. Nghề trồng nấm không cần vốn nhiều, phù hợp người nghèo, trong khi nhu cầu dùng nấm linh chi hiện nay rất lớn”-ông Tuấn nói.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm