TN - Đất & Người

Người phụ nữ từ tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong lúc hụt hẫng nhất và tưởng chừng như gục ngã trước nỗi đau đổ vỡ, bạn bè lại thấy chị Châu Thị Tâm (tổ 10, phường An Phú, thị xã An Khê) đứng lên mạnh mẽ. Mở rộng tấm lòng, chị bắt đầu cuộc hành trình mang niềm vui đến cho người khác và lấy đó làm mục đích sống trong phần đời còn lại của mình…

Quê gốc ở Bình Định, song vùng đất An Khê mới là nơi chị Tâm khôn lớn, trưởng thành. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán cá biển, từ nhỏ, chị đã phải lặn lội theo mẹ xuống Cảng Quy Nhơn đón những giỏ cá tươi từ mấy chiếc tàu vừa cập bến, sau đó lại tất bật theo xe quay ngược về bỏ mối cho tiểu thương ở chợ An Khê. Chị bảo rằng, chính cái nghề này đã nuôi 8 anh chị em nhà chị lớn lên và sau này là 2 đứa con của chị. Mãi đến tận bây giờ, chị Tâm vẫn tiếp tục nối nghiệp mẹ cha. Nhưng thay vì bỏ mối ở các khu chợ như trước, 20 năm qua, chị Tâm chuyển hẳn sang tiếp phẩm cho Sư đoàn Bộ binh 2. Trung bình mỗi ngày, chị nhập cho đơn vị này 8 tạ cá, 2 tạ trứng gà, vịt và khoảng 2 tạ tôm. “Cứ tầm 11 giờ đêm, tôi rời An Khê xuống Quy Nhơn. Sau khi mua đủ số lượng cần thiết, xe quay đầu về và đến 5 giờ là bắt đầu nhập hàng cho đơn vị. Nếu không có việc gì đột xuất thì ngày nào với tôi cũng lặp đi lặp lại y như thế”-chị Tâm cho biết.
 

 Chị Tâm trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại thị xã An Khê. Ảnh: H.T
Chị Tâm trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại thị xã An Khê. Ảnh: H.T

Chị kết hôn. Hai đứa con 1 gái, 1 trai lần lượt ra đời trong hạnh phúc ngập tràn của đôi vợ chồng trẻ. Lúc nào vợ chồng chị cũng sánh bước vui vẻ bên nhau; con cái đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Thế rồi bất ngờ sóng gió ập đến khi trong lòng chồng chị có thêm một người phụ nữ khác. Mâu thuẫn nảy sinh đến đỉnh điểm khiến hai vợ chồng phải đưa nhau ra tòa ly hôn vào năm 2010. Suốt một thời gian dài sau đó, chị như kẻ vô hồn. Chị Tâm ngậm ngùi nhớ lại: “Đã có lúc, tôi muốn tìm tới cái chết để giải thoát cho bản thân nhưng rồi nghĩ đến 2 đứa nhỏ, tôi lại tự động viên mình tiếp tục sống. Và rồi, từ chính nỗi đau của mình, tôi lại nhìn thấy và hiểu thêm nhiều nỗi đau khác còn lớn hơn. Tự nhiên tôi muốn san sẻ, muốn mang niềm vui đến cho người khác để nhận lấy những nụ cười nhằm khỏa lấp đi lỗ hổng lớn trong lòng mình hiện tại”.

Năm 2011, chị Tâm vận động bạn bè được hơn 40 người, lập nên một nhóm từ thiện lấy tên là Hỷ Lạc và được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Vào ngày 15 và 30 hàng tháng, chị cùng các thành viên trong Hội nấu cơm rồi phát từ thiện cho tất cả bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện An Khê. Theo chị Tâm, lúc đó bệnh viện cũng ít người nên mỗi đợt Hội chỉ phát khoảng 150 suất cơm. Hiện nay, con số ấy có tăng lên, trung bình tầm 300 suất/đợt.

Ngoài nấu cơm, chị Tâm đã vận động thêm các nhà hảo tâm khác đồng hành cùng với Hội Hỷ Lạc thực hiện thêm nhiều hoạt động thiện nguyện như: xây nhà tình thương; hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm hàng tháng cho 10 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê; trao quà cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi… và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở An Khê và các huyện lân cận (trung bình mỗi đợt ít nhất 100 suất quà).

Chị Tâm bảo rằng, trời thương nên cho chị sức khỏe trong suốt cuộc hành trình 5 năm làm từ thiện ấy. Nguồn thu từ công việc tiếp phẩm quân đội giờ đây cũng được chị dành phần lớn cho từ thiện. Nửa sau cuộc đời chị được ghi dấu thêm nhiều kỷ niệm khó quên bên những con người xa lạ, trong đó có cô bé Rah Lan Méo (dân tộc Jrai ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông). Bé bị bỏng nặng vùng bụng và đùi vì đốt lửa nướng bắp. Hoàn cảnh gia đình lúc đó rất khó khăn, cộng với sự hiểu biết hạn chế nên cha đẻ của Méo đã xin các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đưa Méo về làng chờ chết. Xót xa trước tình cảnh ấy, chị Tâm đã đưa bé Méo vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) để chữa trị. 4 tháng dài, chị ở lại chăm sóc bé như một người mẹ lo cho con gái. Sau khi bé đỡ bệnh, chị cùng Hội Hỷ Lạc đã hỗ trợ mua cho cha Méo một chiếc máy cày để có phương tiện làm việc kiếm tiền nuôi các con. “Tôi và gia đình Méo vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại, lâu lâu nghe nó bảo mẹ Tâm ơi con nhớ mẹ là thấy thương và ấm áp vô cùng. Cả đời tôi, chỉ cần có thế là quá đủ”-chị tâm sự.

 Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm