TN - Đất & Người

Người thầy thuốc trẻ của buôn làng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mới 31 tuổi đời, 5 năm tuổi nghề, nhưng với tay nghề giỏi, tinh thần trách nhiệm cao và tận tâm hết mực, BS. Karô Hiệp, Trưởng Trạm Y tế xã Đak Cấm (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được bà con vô cùng tin tưởng và quý mến.

Sinh ra và lớn lên tại làng Plei Jơ Drộp, xã Đak Năng, TP. Kon Tum, sau 7 năm được đào tạo tại Học viện Quân y, chàng trai Ba Na Karô Hiệp đã chọn quê hương mình là nơi "trở về" để mang kiến thức được học giúp đỡ bà con, đặc biệt là bà con nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

BS. Karô Hiệp khám bệnh cho người dân làng Plei Rơ Lơng.
BS. Karô Hiệp khám bệnh cho người dân làng Plei Rơ Lơng.

Đầu Xuân năm mới, nghe tin BS. Hiệp về làng Plei Rơ Lơng (xã Đak Cấm), người dân, đặc biệt là các cụ cao tuổi mừng lắm, tập trung tại nhà rông để được khám và cấp thuốc. Ngoài khám bệnh, từ đầu năm đến nay, Karô Hiệp đã 3 lần về Plei Rơ Lơng tuyên truyền cách phòng một số bệnh mùa khô, cách ăn, ở hợp vệ sinh, kế hoạch hóa gia đình và cả cách chăm sóc con cái...

Bà Y Djip, làng Plei Rơ Lơng khoe: "BS. Hiệp rất giỏi, lại nhiệt tình lắm. Mình nói không rành tiếng Kinh, nên khi đau, mình nói với BS về bệnh của mình cũng bằng tiếng dân tộc thôi. BS người Kinh thì không hiểu hết ý mình nói, còn BS. Hiệp thì hiểu hết, nên chữa bệnh cho mình, mình rất ưng cái bụng. Bà con trong làng cũng thế, ai cũng yên tâm khi được BS. Hiệp khám".

Gần 2 năm được phân công phụ trách Trạm Y tế xã Đăk Cấm, dù bận rộn với công việc tại Trạm, nhưng BS. Hiệp vẫn sắp xếp để ít nhất mỗi tháng một lần cùng cán bộ y tế của xã xuống thăm khám sức khỏe cho bà con tại 2 thôn làng dân tộc thiểu số, nhất là cho người cao tuổi không có điều kiện tới trạm y tế.

Chị Y Dung, cộng tác viên y tế làng Plei Rơ Lơng cho hay: “Mỗi khi BS. Hiệp xuống truyên truyền hoặc khám bệnh, bà con rất mừng, nhất là các cụ già. Vì BS. Hiệp nói được tiếng địa phương, nên bà con có thể tự kể triệu chứng bệnh cho BS. Không chỉ có thế, BS. Hiệp còn rất tận tình, chu đáo khi thăm khám, hướng dẫn cách phòng, chữa bệnh cho bà con”.

Quý mến tính cách, tin tưởng tay nghề của BS. Hiệp, vì thế khi ốm đau, bà con đã lên trạm y tế xã để khám bệnh, không còn tự điều trị ở nhà, hay mời thầy mo, thầy cúng như trước.

Trong năm 2017, số lượt khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Đăk Cấm đạt gần 6.300 lượt, tăng hơn 350 lượt so với năm 2016. Hai năm liên tiếp Trạm vượt chỉ tiêu lượt khám chữa bệnh được giao hằng năm, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của BS. Karô Hiệp.

BS. Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Kon Tum cho biết: BS. Hiệp được điều chuyển về công tác tại xã Đak Cấm mới gần hai năm, nhưng được bà con dân làng đánh giá rất cao. Sự hài lòng của người dân tăng lên rõ rệt. Điều đó được thể hiện qua số lượt người dân đến Trạm Y tế xã khám bệnh trong năm 2016 và 2017 tăng cao so với các năm trước.

Nếu như trước kia, Trạm Y tế xã Đak Cấm luôn đứng thứ 17, 18/21 xã, phường của TP. Kon Tum về số lượng bệnh nhân tới trạm y tế khám chữa bệnh cũng như sự hài lòng của người dân, thì trong 2 năm qua, Trạm đã vươn lên đứng thứ 10, 12. Điều đó không thể không kể tới công lao của người đứng đầu Trạm".

Được lãnh đạo đánh giá cao, được bà con tin tưởng, nhưng BS. Karô Hiệp lại vẫn thấy "mình có làm được gì nhiều cho bà con đâu. Chăm sóc sức khỏe cho bà con là trách nhiệm của những người thầy thuốc như mình mà”.

Karô Hiệp tâm sự: “Bà con ở đây đa số có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, nên khi ốm đau ít khi tới trạm y tế khám bệnh. Không những thế, hầu hết bà con đều lao động nặng nhọc, chủ yếu là làm nương, làm rẫy, đi rừng,… nên ốm đau thường xuyên. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tới sự phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái. Cái đói, cái nghèo cũng từ đây mà đeo bám mãi".

Hiểu được điều đó, nên ngoài tận tâm, tận lực với công việc, ngoài tự trao dồi kiến thức, Karô Hiệp luôn mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp đào tạo chuyên sâu để nâng cao tay nghề, từ đó làm tốt hơn nữa "sứ mệnh" chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thầy thuốc như mẹ hiền, lương y như từ mẫu".

Bạch Dương/chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm