TN - Đất & Người

Người thổi hồn tượng gỗ ở làng Kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được người quen giới thiệu, tôi tìm đến nhà anh Ksor Hnao tại làng Kép,  phường Đống Đa, TP. Pleiku. Căn nhà nhỏ với nhiều tượng gỗ đủ loại hình dạng, kích thước phong phú được xếp đặt gọn gàng, tinh tế. Anh hồ hởi khoe những bức tượng mình vừa tạc xong. Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán anh, phần nào tôi hiểu được sự nhiệt tâm trong công việc này.

Ngồi trong nếp nhà đơn sơ, giản dị của anh, tôi đã có một khoảng thời gian để tự do khám phá không gian riêng của một nghệ nhân tạc tượng dân gian. Khi nhìn đâu cũng gặp những gă, jong, há, thăng-những dụng cụ không thể thiếu trong tạc tượng. Ngay từ nhỏ, anh Hnao đã có niềm đam mê với nghề tạc tượng. Anh luôn tận dụng những khúc gỗ với đủ hình dáng, kích thước để đẽo, tạc theo sở thích riêng của mình.

 

Ảnh: Nguyễn Mỹ Lệ
Ảnh: Nguyễn Mỹ Lệ

Các tác phẩm đều thể hiện hình tượng con người Tây Nguyên trong đời sống thường ngày, về thế giới tự nhiên, thú rừng, chim muông, hoa quả. Tôi rất thích nhóm tượng trang trí trong nhà sàn, nhà rông, bến nước, trên nóc nhà sàn, nhà mồ, nóc nhà rông, tường rào, cổng vào buôn và các bức tượng người, thú pha trộn với nét hiện đại khác. Mỗi khi trong làng, trong xã có người nào về với tổ tiên, người thân của họ đều nhờ anh đến tạc tượng gỗ để đặt ở mộ phần. Bằng tình cảm và trách nhiệm ấy mà anh được bà con trong làng Kép quý mến.

Mỗi bức tượng tạc được đều thể hiện tinh hoa, trí lực của anh nên đường nét  rất sắc sảo, tinh tế. Cũng tùy theo thời gian và cảm hứng sáng tạo mà mỗi tác phẩm của anh có một giá trị nghệ thuật riêng. Anh cho biết: “Hầu hết các nghệ nhân tạc tượng không qua các trường lớp đào tạo mà phần lớn học qua các già làng, các nghệ nhân lớn tuổi nhiều năm trong nghề. Cứ đi theo phụ việc, ai yêu thích, say mê tạc tượng mới theo được”. Xuất thân trong gia đình không ai theo nghề này nhưng với năng khiếu vốn có, cộng với quá trình cần mẫn, hăng say với công việc rồi anh đã trở thành nghệ nhân tài hoa của làng Kép, được mọi người trân trọng, quý mến. Tượng của Ksor Hnao thường là những hình ảnh dung dị trong đời sống như: thanh niên đánh chiêng, phụ nữ địu con, già làng chống gậy… rất sinh động, đầy biểu cảm.

Ngoài tạc tượng, nghệ nhân Ksor Hnao còn biết làm các loại đàn bằng tre, nứa như: goong, kơni hay t’rưng và chơi thành thạo các nhạc cụ này. Với năng khiếu sẵn có và đôi tai thẩm âm khá tốt, năm 1999, anh được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn ting ning (đàn goong) để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu. Trong các cuộc thi hát dân ca, trình diễn nhạc cụ truyền thống của TP. Pleiku cũng như của tỉnh hay những lần đi biểu diễn trong “Ngày Văn hóa Tây Nguyên” tại Hà Nội, anh luôn được chọn chơi độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc và là người giữ vị trí đệm đàn chính. Không những thế, Ksor Hnao còn sở hữu một giọng ca khỏe và biết hát được nhiều bài dân ca Jrai, dàn dựng và trang trí các cây nêu trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Vừa qua, anh đoạt giải nhất với tác phẩm “Mẹ ôm con” tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Tác phẩm đạt được tính nghệ thuật nhưng giữ được nét gồ ghề, xù xì, mang đậm chất dân gian nguyên bản, mang ý nghĩa sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ dành cho con.

Ngoài công việc hàng ngày, anh còn mở lớp giảng dạy, hướng dẫn thanh niên trong làng tạc tượng, đánh cồng chiêng ở khoảng sân nhỏ sau nhà để các thế hệ trẻ biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào Jrai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Với Ksor Hnao, được truyền dạy lại cho các em, các cháu nghề tạc tượng là niềm vui trong cuộc sống vốn nhiều đổi thay hôm nay. Anh cảm thấy hài lòng vì đã góp phần giữ gìn, phát triển và tôn vinh được vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật điêu khắc truyền thống của ông cha truyền lại.

Nguyễn Mỹ Lệ

Có thể bạn quan tâm