Giải trí

Người thổi sáo mèo trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là người Kinh nhưng ông Nguyễn Văn Lợi (55 tuổi, tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) lại rất say mê và gắn bó với tiếng sáo mèo của người H'Mông. Tiếng sáo của ông khi réo rắt vút cao, lúc trầm lắng mượt mà đã “hút hồn” nhiều du khách khi đến với Pleiku.

Hình ảnh ông Lợi say sưa thổi sáo mèo hàng ngày nơi cuối con đường Lê Văn Sỹ (tổ 9, phường Yên Thế) đã để lại ấn tượng đặc biệt cho nhiều người, nhất là những du khách tới tham quan khu danh thắng Biển Hồ. Ông Lợi cho hay: “Nhiều du khách có thể ngồi hàng giờ để nghe tôi thổi sáo. Tôi rất vui và hạnh phúc khi đem tiếng sáo mèo của người H'Mông đến với Gia Lai như một món quà đặc biệt. Tiếng sáo bay bổng mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc ngân vang giữa lòng phố núi Pleiku vô tình mang đến cho mọi người cảm giác thật bình yên và gần gũi”.

 Tiếng sáo của ông Nguyễn Văn Lợi đã “níu chân” nhiều du khách khi tới tham quan danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Mai Ka
Tiếng sáo của ông Nguyễn Văn Lợi đã “níu chân” nhiều du khách khi tới tham quan danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Mai Ka


Sinh ra ở bản Định Biên (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), ông Lợi có cơ hội cảm nhận và tìm hiểu về văn hóa của người H'Mông. Sống gần người H'Mông, ông thấy vô cùng cảm phục bởi cuộc sống sinh hoạt tuy rất lam lũ, vất vả nhưng họ vẫn rất yêu đời. Ngoài thời gian đi nương, làm rẫy, họ vẫn dành thời gian để thổi khèn, thổi sáo... Những giai điệu trầm bổng, réo rắt của sáo mèo đã ngấm sâu vào ông từ lúc nào không rõ khiến ông quyết tâm theo trai bản học thổi sáo. Lúc đầu, ông chỉ định học cho vui nhưng càng ngày lại càng say mê loại nhạc cụ này. Đến năm 18 tuổi, khi vào Gia Lai lập nghiệp, hành trang mang theo của ông không thể thiếu cây sáo mèo.

Mỗi ngày, sau giờ trên nương rẫy, ông Lợi lại thổi sáo cho đỡ nhớ quê hương. Từ đam mê tiếng sáo, ông tự tìm hiểu rồi mày mò làm những cây sáo mèo với mong muốn gìn giữ và giới thiệu để nhiều người biết đến một nhạc cụ dân gian đặc sắc của người H'Mông ngay trên vùng đất cao nguyên. Năm 2020, khi mở quán ăn nhỏ tại đường Lê Văn Sỹ (đoạn vào hàng thông Biển Hồ), ông quyết định lấy tên quán là Sáo Mèo. Hàng ngày, cứ vào buổi sáng hoặc lúc hoàng hôn, ông lại ngồi nơi góc quán tấu lên những giai điệu quen thuộc. Tiếng sáo đã “níu chân” nhiều đoàn du khách khi tới tham quan danh thắng Biển Hồ. Chị Hà Thị Mỹ Anh (quận Long Biên, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Vào du lịch Pleiku, tôi thật bất ngờ vì bắt gặp tiếng sáo mèo của vùng Tây Bắc. Tôi cảm thấy 2 vùng đất này thật gần bởi có sự giao thoa văn hóa”.

Ông Lợi cho rằng, ngoài cồng chiêng, đàn trưng của người dân tộc thiểu số ở Pleiku thì sự xuất hiện của tiếng sáo mèo như một điểm nhấn mới lạ hấp dẫn du khách. Hiện ông sở hữu rất nhiều cây sáo mèo với những đặc tính khác nhau và xem đó như tài sản vô giá của mình. Ông cho biết: “Để làm được cây sáo mèo khá vất vả, từ việc chọn cây trúc đến gọt, đẽo làm sao cho ra âm thanh tốt là không hề đơn giản. Để làm và thổi sáo mèo tốt hơn, tôi đã dành thời gian học thêm về nhạc lý. Một cây sáo cho quãng hơi dài sẽ vừa đảm bảo thổi được những bản nhạc truyền thống của người H'Mông nhưng cũng có thể thổi thêm cả những giai điệu mới”.

Ông Lợi thổi thành thạo cả hai loại sáo mèo đơn và sáo mèo kép. “Thổi sáo mèo kép khá khó, cần có hơi khỏe, biết cách giữ hơi, ém hơi để thổi ra đều. Người chơi sáo cũng giống như tập khí công, hơi thở sâu tốt cho sức khỏe, các đầu ngón tay cũng rất linh hoạt”-ông tâm sự.

Tiếng sáo mèo như thanh âm của núi rừng, của mùa vàng, của tình yêu đôi lứa… Tất cả như một bản hòa tấu thổn thức gợi nhớ về quê hương yên bình. Những giai điệu của bài hát: Xuân về trên bản Mông, Phiên chợ vùng cao, Âm vang núi rừng, Tình ca Tây Bắc… qua tiếng sáo của ông Lợi đã xóa tan khoảng không về địa lý cũng như văn hóa của 2 vùng đất Tây Bắc và Tây Nguyên.

 

 MAI KA

 

Có thể bạn quan tâm