Năm nay đã 75 tuổi nhưng già làng Rơ Châm Ơm (làng C, xã Gào) vẫn cần mẫn chăm sóc hơn 1,5 ha cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm, gia đình ông thu về trên 120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vì tiền phong gương mẫu nên ông Ơm được người dân trong làng nói chung, xã Gào nói riêng kính nể và lần lượt bầu làm Trưởng thôn giai đoạn 1994-1999, sau đó là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Năm 2012, sau khi nghỉ làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông được bà con tín nhiệm bầu làm già làng cho đến nay.
Ông Ơm (ở giữa) thường xuyên trao đổi với cán bộ và người dân trong thôn về những vấn đề nảy sinh trong làng để có hướng giải quyết. Ảnh: Nhật Hào |
Ông Ơm cho biết, làng C có 104 hộ, đa số đều làm nông nên vấn đề kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, ông tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ các buổi tham quan, tập huấn do địa phương tổ chức để sản xuất hiệu quả hơn. Đến nay, làng C có hơn 43 ha cà phê và 20 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài ra, người dân còn nuôi thêm bò, dê, heo, gà để cải thiện thu nhập.
Tuy nhiên, điều ông Ơm trăn trở nhất trong nhiều năm qua là làm sao để loại bỏ những tập tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Trước đây, nổi lên trong làng là nạn tảo hôn và tang ma kéo dài. Vì thế, tôi thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu tảo hôn không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Nhờ vậy, 2 năm nay, làng không còn xảy ra tảo hôn nữa. Người dân cũng không còn tổ chức tang ma kéo dài 7 ngày như trước. Người dân cũng đã bỏ tổ chức đêm nhạc trước ngày cưới con để đỡ tốn kém và hạn chế phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự”-già làng C phấn khởi cho biết.
Ông Rơ Lan Nin (làng C) bày tỏ: “Ông Ơm là già làng gương mẫu trong phát triển kinh tế và luôn vận động con cháu chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước nên dân làng rất tin tưởng nghe theo. Nhiều gia đình nhờ được ông chỉ bảo nên chăm sóc cà phê, lúa nước đạt năng suất cao, bảo ban con cháu nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không tham gia các tệ nạn xã hội, nói không với tảo hôn”. Còn ông Siu Khét-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn C thì cho hay: “Nhờ có ông Ơm tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động mà dân làng dần loại bỏ bớt những tập tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế. Làng hiện còn 1 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo; số hộ khá và giàu ngày càng tăng”.
Tương tự, nhờ chăm chỉ phát triển kinh tế và tiên phong tham gia các hoạt động ở địa phương nên ông Siu Mak được người dân tin tưởng bầu làm Phó Trưởng thôn rồi Trưởng thôn A. Năm 2012, do phải thường xuyên đưa con gái thứ 2 vào TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh ung thư máu nên ông xin nghỉ. Tuy nhiên, với vai trò là người có uy tín, ông vẫn tích cực tham gia các công việc quan trọng của làng; tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ hòa giải xử lý các vụ mâu thuẫn trong làng.
Ông Siu Mak (bìa trái) chia sẻ với ông Puih Lin kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: Nhật Hào |
Ông Puih Lin-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gào:Hiện trên địa bàn xã có 4 già làng và 4 người có uy tín. Tuy đa phần đều lớn tuổi nhưng những năm qua, các già làng, người có uy tín luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, họ đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; vận động bà con gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp, loại bỏ các tập tục lạc hậu; tham gia hòa giải để củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng.
Ông Mak cho hay: Trước đây, mỗi năm, trong làng xảy ra 5-7 vụ việc liên quan đến đất đai, mâu thuẫn vợ chồng gây mất tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng. Những lúc như vậy, ông đều suy nghĩ cách để hóa giải mâu thuẫn. Trong đó, ông nhớ nhất là mâu thuẫn giữa vợ chồng Siu Bi và Kpă Bíp. Mỗi lần vợ ghen tuông vô cớ, anh Bíp thường bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) và ông Mak đều phải sang tận nhà khuyên giải. Ròng rã 3 năm liền được ông Mak lui tới phân tích đúng-sai, bây giờ, vợ chồng họ không còn mâu thuẫn nữa mà bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng khá giả. “Người Jrai rất trọng tình cảm. Vì thế, trong các vụ việc hòa giải, tôi luôn lấy cái lý kết hợp với cái tình để khuyên giải hai bên nhằm tạo sự đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đặc biệt là mâu thuẫn vợ chồng. Vì vậy, tôi luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động vẫn quan trọng nhất và phải thực hiện một cách bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”-ông Mak chia sẻ kinh nghiệm.
Nhận xét về ông Mak, ông Rơ Châm Săng-Trưởng thôn A-cho hay: Nhờ có ông Mak tích cực tham gia hòa giải mà những năm qua, các mâu thuẫn trong làng đều sớm được giải quyết dứt điểm, tình đoàn kết trong làng luôn được củng cố. Đặc biệt, ông Mak tích cực tham gia cùng hệ thống chính trị của làng tuyên truyền, vận động người dân nói không với nạn tảo hôn, không tổ chức tang ma kéo dài. Đến nay, làng A chỉ còn 3 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Nhiều năm liền, làng được tặng danh hiệu “Làng văn hóa” cấp thành phố. Riêng bản thân ông Mak đã được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số”, 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2014-2018 và giai đoạn 2018-2020; được Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND xã Gào, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gào và một số ban, ngành tặng giấy khen vì có nhiều đóng góp cho việc củng cố khối đại đoàn kết và sự phát triển của địa phương.
NHẬT HÀO