(GLO)- Một ngày, vợ chồng họa sĩ Hồ Việt lại vào làng tìm cảm hứng. Họ đi sâu vào làng Kon Trang cách thị trấn Đak Hà (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) gần 5 km về hướng Tây. Đứng trước một doi đất giữa mặt hồ phẳng lặng, cả hai đều buột miệng: Ồ đẹp quá!
Câu chuyện bắt đầu từ một chàng họa sĩ sinh ra tại vùng cà phê Đak Hà (tỉnh Kon Tum) tên là Hồ Việt. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế năm 2007. Sau đó, anh tình nguyện vào tận chân núi Ngọc Linh (xã Xốp, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) làm nghề “gõ đầu trẻ”.
Năm 2012, anh tham gia triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh do tỉnh Kon Tum tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh. Trước ngày khai mạc triển lãm, họa sĩ Hồ Việt phải cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) vì bị sốt rét ác tính. Nhưng rồi, anh đã vượt qua tình trạng nguy kịch để góp mặt tại triển lãm.
Họa sĩ Hồ Việt (bìa phải) trong một lần giao lưu cùng bạn bè. Ảnh: Phùng Sơn |
Sau khi vượt qua cơn bạo bệnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Glei điều anh về dạy mỹ thuật ở 1 trường THCS tại thị trấn. Vốn là người năng động, anh không muốn ở yên một chỗ. Vậy là, anh lại xin tiếp tục chuyển về dạy ở huyện Đak Hà để sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ già.
Trong cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực diễn ra tại Đà Nẵng, anh lại gặp được tiếng sét ái tình của cô nữ họa sĩ đồng hương và họ nên duyên với nhau. Hai tâm hồn đồng điệu gặp gỡ không những trong tình cảm, trong nghệ thuật mà cả trong đời sống nóng bỏng khát khao vươn xa đến một chân trời mới trong bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cả hai luôn tâm đồng trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong đời sống.
Một ngày, vợ chồng họa sĩ lại vào làng tìm cảm hứng. Họ đi sâu vào làng Kon Trang cách thị trấn Đak Hà gần 5 km về hướng Tây. Đứng trước một doi đất giữa mặt hồ phẳng lặng, cả hai đều buột miệng: Ồ đẹp quá! Đó là một sự đồng cảm của 2 tâm hồn họa sĩ đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Doi đất có cái tên mỹ miều Long Loi (tiếng Rơ Ngao có nghĩa là đẹp hơn). Làng Kon Trang (có nghĩa là làng bông lau) có một doi đất đẹp như vậy nên dân làng ở đây thường gắn tên Kon Trang-Long Loi là vậy.
Sau khi hoàn thành 2 bức phong cảnh, chàng họa sĩ nảy ra ý định muốn biến nơi đây thành một bức tranh thủy mặc trên mặt hồ thi vị này. Vậy là mấy đêm liền, anh ngồi chăm chú bên chiếc laptop để hoàn thiện đề án xây dựng Khu du lịch sinh thái Long Loi. Một số phương án thiết kế xây dựng bằng những vật liệu thiên nhiên dần dần được hình thành với nhiều góc độ thẩm mỹ.
Sau khi dự án được huyện đồng ý, vợ chồng anh xắn tay vào cuộc. Anh nhờ già làng vận động bà con dân làng Kon Trang cùng chung tay góp sức. Chỉ trong vòng 1 năm, bức tranh thủy mặc đời thực đã được hình thành như mong đợi của đôi vợ chồng họa sĩ.
Khu du lịch sinh thái Long Loi. Ảnh: Phùng Sơn |
Trước khi có chuyến thực tế về Long Loi, tôi biết nơi này vừa đón một đoàn họa sĩ từ nhiều nơi trên cả nước đến thực tế sáng tác trong 8 ngày. Với một khung cảnh tuyệt đẹp mang lại cảm xúc mạnh mẽ, họ đã sáng tác nhiều tác phẩm và tặng lại cho Long Loi một số tác phẩm có giá trị. Tôi là người đến sau, nhìn khung cảnh Long Loi trong buổi chiều xuân, những đoàn người tấp nập đổ về thưởng lãm cảnh đẹp, họ tha hồ chụp hình, dựng trại sinh hoạt cùng gia đình.
Buổi tối, tôi được vợ chồng họa sĩ Hồ Việt chiêu đãi những món ăn đậm chất nguyên sơ của người bản địa. Anh chia sẻ với tôi về hướng phát triển của Long Loi và phương án biến nơi này trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Trời đã về khuya, tôi vẫn nằm bên đống lửa của những chàng trai cô gái Rơ Ngao vừa bỏ lại sau những tiếng cồng, điệu múa vui nhộn. Tôi lắng nghe hơi thở của đất, ngửi thấy mùi thơm tho của hoa lá nội đồng. Nhìn ra xa mặt hồ yên lặng, những ngọn đèn của ngư phủ từ đồng bằng sông nước Cửu Long về đây lập nghiệp lay động mặt hồ. Tôi thầm cảm ơn vợ chồng họa sĩ Hồ Việt đã vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
PHÙNG SƠN