(GLO)- “Anh ơi có yêu em/hãy về cùng Phố núi/nơi tình yêu vẫy gọi…”. Lời ca thiết tha ấy từ lâu đã trở nên thân thuộc với biết bao người con Phố núi, khiến ai đi xa cũng đau đáu tìm về. Và, người đã góp phần biến miền đất cao nguyên giàu nắng gió trở thành nơi “chưa xa đã nhớ” chính là Ngọc Tường-nhạc sĩ của những bản tình ca về Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), giới nhạc sĩ trong cả nước có điều kiện đến với mảnh đất Tây Nguyên, mở ra một giai đoạn sáng tác mới với sự khai thác chất liệu dân ca của các dân tộc bản địa để viết nên những tác phẩm âm nhạc. Từ đây đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ tài hoa với những ca khúc để đời về đề tài đất và người cao nguyên, trong đó có nhiều tác phẩm viết về Pleiku thân yêu được công chúng yêu thích. Bên cạnh những ca khúc nổi tiếng như: “Ngọn lửa cao nguyên (Trần Tiến), “Đôi mắt Pleiku” (Nguyễn Cường), không thể không kể đến “Tình ca Măng Đen”, “Pleiku thân yêu”, “Pleiku chưa xa đã nhớ” của nhạc sĩ Ngọc Tường-người nghệ sĩ đã gắn cuộc đời mình với Pleiku, với Gia Lai.
Văn nghệ sĩ sinh sống ở Pleiku cũng như các địa phương khác khi đến với Phố núi thường tâm sự: Pleiku rất dễ gợi cho chúng ta nhiều cảm hứng với những cảm xúc mới lạ. Nhưng để sáng tạo một tác phẩm hay, đi vào lòng người thì quả là khó, nhất là thơ và nhạc. Không phải ai cũng “hữu duyên” mà có được một tác phẩm để đời như nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Vũ Hữu Định trong “Còn chút gì để nhớ” với: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”… Sau này, khai thác ở một góc độ khác với chất liệu và âm hưởng Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã sáng tác “Đôi mắt Pleiku” khá thành công, được nhiều người yêu thích.
Nhạc sĩ Ngọc Tường trong một lần biểu diễn. Ảnh: Phương Linh |
Đối với nhạc sĩ Ngọc Tường, người con quê hương “Đất võ trời văn”-Bình Định thì phố núi Pleiku chính là quê hương thứ hai, mảnh đất ân tình đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của anh từ những ngày thơ ấu. Vậy nên, các ca khúc viết về Pleiku của nhạc sĩ như một “món nợ” từ con tim yêu thương cần được “trả lại” cho người cưu mang. Ca khúc “Pleiku thân yêu”, sáng tác năm 1984 đến nay được nhiều ca sĩ thể hiện thành công, trong đó có ca sĩ Thúy Hà và ca sĩ Y Jang Tuyn. Giai điệu mượt mà, ca từ trong sáng, cô đọng, bài hát để lại bao nỗi xuyến xao trong trái tim người nghe: “Anh ơi có yêu em/hãy về cùng Phố núi/nơi tình yêu vẫy gọi…”. Pleiku, mảnh đất thơ mộng, đầy ắp tình người, đang vươn lên là đô thị đáng sống, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón những người con khắp mọi miền đất nước về với Phố núi: “Chia tay cùng biển lớn/về cao nguyên núi đồi/cầm tay nhau đi tới/phố nhỏ mà thân thương”.
Có thể nói, Pleiku đã đi cùng năm tháng thăng trầm cùng với sự lớn lên và trưởng thành của nhạc sĩ Ngọc Tường. Con phố nhỏ Nguyễn Đình Chiểu thân thuộc, một thời gắn bó với anh và các nghệ sĩ của Đoàn Đam San-nơi hun đúc nhiều tài năng nghệ thuật như: Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Hà, nhạc sĩ Ngọc Tường, nhạc sĩ Đức Hà… Đây cũng là nơi tôi, khi ấy còn làm phóng viên thường xuyên lui tới gặp gỡ, chuyện trò cùng các nghệ sĩ. Căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Ngọc Tường lúc bấy giờ lúc nào cũng vang vọng tiếng dương cầm. Và cũng từ đây, anh đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị.
Một ca khúc khác viết về Pleiku năm 2002 của Ngọc Tường là “Pleiku chưa xa đã nhớ” với một cảm xúc mới, lắng đọng hơn, thường được ca sĩ Thanh Hà và ca sĩ Hồng Son thể hiện. Có thể nói, tình yêu với Phố núi giờ đã chín muồi, đã “neo bến trái tim” tác giả. Trong đoạn điệp khúc: “Tháng năm đã qua đi bao thăng trầm buồn vui/để có một tình yêu ngưng cánh chim ngàn phương/để có một cao nguyên yêu quý nhớ thương/để có một Pleiku neo bến trái tim” như một lời tâm sự chân tình của người nghệ sĩ với mảnh đất cao nguyên ắp đầy kỷ niệm.
Tôi đã có nhiều thời gian bên nhạc sĩ Ngọc Tường, nhất là khi nghỉ hưu và anh em cũng thường có những chuyến đi thực tế thú vị. Và chính trong thời gian này, tôi và các bạn bè được nghe anh thể hiện tác phẩm của mình một cách đầy đủ, tự nhiên nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, nhạc sĩ Ngọc Tường hiền lành, ít nói, giữ mình, nhưng khi đã hòa vào cuộc vui với cây đàn guitar trong tay, anh trở thành con người của âm nhạc, đắm mình cùng giọng ca ấm áp, say mê lướt trên phím đàn. Người nhạc sĩ ấy, nay đã U70, nhưng khi ôm cây đàn và cất lên tiếng hát: “Tôi đã có một Pleiku xanh thắm trang thơ/tôi đã yêu một Pleiku sương mây mộng mơ/một Pleiku chưa xa đã nhớ…” thì mọi người dường như đã quên đi tuổi tác của nghệ sĩ và của chính mình, chỉ còn đọng lại tình yêu nồng nàn với Pleiku.
BÙI QUANG VINH