(GLO)- Nhờ nguồn vốn hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tái định cư của tỉnh Gia Lai đã có điện lưới quốc gia. Có điện “phủ sóng”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Đầu tháng 9-2022, Điện lực Phú Thiện đã nghiệm thu đóng điện thành công Dự án cấp điện cho khu dân di cư tự do tại thôn Thống Nhất 2 (xã Ia Yeng) và thôn Điểm 9B (xã Ia Hiao). Ông Hoàng Văn Mã-Giám đốc Điện lực Phú Thiện-cho biết: “Khi chính quyền địa phương triển khai các dự án bố trí, ổn định dân di cư tự do, chúng tôi đã tiến hành khảo sát địa hình, thống kê các hạng mục cần đầu tư để đảm bảo cấp điện đầy đủ, an toàn cho người dân nơi đây”.
Công nhân Điện lực Đức Cơ đóng điện tại làng Nan, xã Ia Nan. Ảnh: Khang Nghi |
Theo đó, 500 m đường dây trung áp, 1 trạm biến áp 160 kVA, 600 m đường dây hạ áp đã được lắp đặt và kéo đến khu định cư mới thôn Thống Nhất 2; 1.400 m đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp 160 kVA cũng nhanh chóng được lắp đặt để phục vụ nhu cầu của người dân thôn Điểm 9B. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Điện lực Phú Thiện còn lắp đặt công tơ cung cấp điện cho 35 hộ dân thôn Thống Nhất 2 và 50 hộ ở thôn Điểm 9B. Ông Nay Puh (thôn Điểm 9B) bày tỏ: “Khi mới chuyển đến khu tái định cư này, tôi khá lo lắng vì sợ không có điện sẽ gặp khó trong sinh hoạt cũng như sản xuất. Nhưng khi biết hạ tầng lưới điện được đầu tư bài bản, tôi cũng như bà con dân làng rất vui mừng”.
Gần 100 hộ dân của buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cũng vô cùng phấn khởi khi Tết này được về nơi ở mới với đầy đủ hạ tầng cơ sở, trong đó, hệ thống điện đã được kéo về đến tận nhà. Trưởng thôn Nay Khúy vui mừng cho biết: “Nơi ở trước đây của bà con chật hẹp, nhà cửa tạm bợ, đó là chưa kể những khó khăn, nguy hiểm mỗi khi bão lũ. Nay về khu tái định cư, mỗi hộ dân được Nhà nước cấp gần 400 m2 đất, nhà ở rộng rãi, còn có vườn. Hệ thống điện-đường-trường lớp cũng đã đầy đủ, chỉ cần dựng nhà xong là yên tâm xây dựng cuộc sống”.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Điện lực Ayun Pa: Thời gian gần đây, do dòng chảy thay đổi, lũ sông Ba chảy xiết khiến nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thống điện mà còn có nguy cơ đe dọa tính mạng người dân. Vì vậy, Điện lực Ayun Pa phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khu ở mới để sớm ổn định cuộc sống. “Chúng tôi đã di dời công tơ cho 44 hộ, lắp mới công tơ cho 46 hộ, chỉnh trang dây sau công tơ đảm bảo mỹ quan, an toàn điện cho 90 hộ đã di dời đến nơi ở mới”-ông Dũng thông tin.
Còn tại huyện biên giới Đức Cơ, tất cả 10 xã, thị trấn đều đã đạt tiêu chí điện trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, hạ tầng lưới điện trên địa bàn huyện không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Năm 2020 và năm 2021, toàn huyện có 4,1 km đường dây 22 kV, gần 22 km đường dây hạ thế được cải tạo và xây dựng mới, đồng thời tiến hành nâng dung lượng cho 1 trạm biến áp và xây dựng mới 9 trạm biến áp tổng công suất 1.890 kVA với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Ông Tăng Văn Dũng-Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Đức Cơ-cho hay: “Cùng với việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống của người dân, đơn vị đã phối hợp tốt với các nhà thầu bảo đảm tiến độ thi công các công trình cấp điện trên địa bàn. Trong năm 2022, ngành điện đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng lưới điện các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ thi công điện chiếu sáng, sửa chữa điện sinh hoạt giúp người dân, kết hợp tặng quà cho các hộ khó khăn. Chúng tôi xác định sẽ nỗ lực để đóng góp công sức cùng với địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 trong xây dựng nông thôn mới, thể hiện trách nhiệm của ngành điện đối với sự phát triển chung của huyện”.
Chỉ tính trong năm 2022, Công ty Điện lực Gia Lai phối hợp với chính quyền các huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đức Cơ... tiến hành khảo sát để cấp điện cho các khu dân cư vừa được thành lập hoặc những thôn, làng có điện nhưng đường dây đã xuống cấp, không đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Với sự nỗ lực của ngành điện và sự chung tay của chính quyền địa phương, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có điện, tỉnh đã cơ bản hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới.
KHANG NGHI