Kinh tế

Tài chính

Nguồn vốn tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại hướng nguồn vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Tập thể Ban Giám đốc và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh. Ảnh: S.C

Tập thể Ban Giám đốc và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh. Ảnh: S.C

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15-1-2024 của NHNN Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; NHNN-Chi nhánh tỉnh đã bám sát kế hoạch, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác tiền tệ-ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tích cực thực hiện các nhóm chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho đến hết ngày 30-6-2024; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14-7-2023 của NHNN Việt Nam...

Điểm qua bức tranh tổng thể tình hình kinh tế của tỉnh trong quý I-2024 cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP ước đạt 2,58%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.093 tỷ đồng (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 35.384 tỷ đồng (tăng 23,31% so với cùng kỳ năm ngoái); kim ngạch xuất-nhập khẩu ước đạt 306 triệu USD (tăng 16,35% so với cùng kỳ năm 2023); thu ngân sách nhà nước đạt 1.953,5 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước) tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.138 tỷ đồng (tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2023); toàn tỉnh có 9.599 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký hoạt động. Cũng trong quý I, có 240 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 2.470 tỷ đồng, có 97 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; có 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn 700 tỷ đồng. Tổ công tác đặc biệt tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: S.C

Bên cạnh những điểm sáng, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư công giải ngân đạt tỷ lệ thấp, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt, một số dự án xây dựng cơ bản năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn.

Đến hết quý I-2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 62.462 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cho vay đạt 114.736 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cuối năm 2023. Trong bối cảnh chung toàn ngành Ngân hàng, nguồn vốn huy động đạt tỷ lệ tăng trưởng khá tốt, thu hút mạnh nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Ngược lại, dư nợ tín dụng giảm tương ứng do các yếu tố mùa vụ sản xuất, giá nông sản tăng cao nên người dân trả nợ tất toán khoản vay, nhu cầu và sức hấp thu vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động... Về chất lượng tín dụng, các ngân hàng thương mại tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, do tác động từ các yếu tố khách quan nên nợ xấu toàn ngành Ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ 0,79% so với cuối năm 2023 nhưng vẫn nằm trong ngưỡng quy định. Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023 của NHNN Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 1.648,8 tỷ đồng với số lượt khách hàng được cơ cấu lại nợ lũy kế là 74 lượt khách hàng.

Nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu năm 2024 là huy động vốn tăng 10% so với năm 2023, dư nợ tín dụng tăng 7% so với năm 2023; NHNN-Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận tín dụng thuận lợi, đúng quy định; duy trì nguồn lực ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo. Song song với việc đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung, dài hạn, các ngân hàng tập trung đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm-trọng điểm, đi vào thực chất nền kinh tế. Theo đó, bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh và nhu cầu đầu tư phát triển năm 2024 để mở rộng tín dụng, ưu tiên hướng nguồn vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và NHNN; các ngành, lĩnh vực giàu tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Gắn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng được NHNN đặc biệt quan tâm. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát theo kế hoạch; đề nghị các chi nhánh ngân hàng xử lý kịp thời các vấn đề tiềm ẩn rủi ro và tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn trước, trong và sau khi cho vay, có biện pháp thu hồi nợ để nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tăng cường truyền thông về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đảm bảo vốn tín dụng phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê năm 2024; thực hiện nghiêm túc các mức lãi suất huy động, cho vay tối đa theo quy định; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối “ngân hàng-doanh nghiệp” nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh luôn triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: S.C

Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh luôn triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: S.C

Thông qua việc triển khai các quyết định của NHNN Việt Nam về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục nỗ lực đóng góp vào quá trình thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong năm nay và các năm tiếp theo.

NGUYỄN HỮU NGHỊ

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh

Có thể bạn quan tâm