Kinh tế

Nguy cơ hạn hán nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng, thậm chí một số địa phương còn thiếu cả nước sinh hoạt.

Người dân khốn khổ vì thiếu nước

Thực tế, ở nhiều địa phương, vấn đề thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu vẫn đang là một bài toán khó đối với người dân. Bà Lê Thị Thúy (thôn Brep, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) nhìn vườn tiêu héo vàng buồn rầu nói: “Mới đầu năm mà vườn tiêu hơn 300 gốc của gia đình tôi đã héo rũ. Nước giếng thì xuống thấp, cứ kéo ống ra tưới được vài tiếng lại phải chờ nước lên mới tưới tiếp. Mấy năm gần đây khí hậu thay đổi nên nông sản mất mùa mà giá cả lên xuống thất thường. Cứ cái đà này chắc nông dân chúng tôi phải bỏ vườn hết!”.

 

Ông Kpă Nú buồn rầu nhìn dòng suối cạn khô. Ảnh: N.N
Ông Kpă Nú buồn rầu nhìn dòng suối cạn khô. Ảnh: N.N

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình ông Lê Viết Thắng (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) sử dụng nước suối để tưới cà phê nhưng con suối này không đáp ứng đủ lượng nước. Trước tình trạng này, ông Thắng đã quyết định chặt bỏ vườn cà phê của mình để trồng loại cây khác. “Mấy năm gần đây nắng hạn, mất mùa mà giá cả lại thấp nên gia đình tôi quyết định chặt bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng chanh dây. Hiện tại giá chanh dây đang cao, nếu chịu đầu tư thì chắc chắn lời hơn trồng cà phê nhiều”- ông Thắng chia sẻ.

Tại xã Dun (huyện Chư Sê), người dân cũng phải chịu cảnh thiếu nước. Ông Kpă Nú-người dân trong xã chỉ xuống đoạn suối cạn khô buồn rầu nói: “Nhà tôi trồng hơn 500 gốc cà phê nhưng mới tưới được hơn 200 cây thì suối đã cạn nước. Năm ngoái cũng thiếu nước nên cà phê đã mất mùa rồi, năm nay mà thiếu nước nữa thì lấy gì thu hoạch đây”. Tại làng Hring Hrang (xã Ayun, huyện Chư Sê), cứ 2-3 hộ gia đình dùng chung một cái giếng nhưng tình trạng nước giếng xuống thấp khiến người dân phải tìm đến nguồn nước sinh hoạt khác. Ông Đinh Cân-người dân trong làng cho biết: “Ở làng mình giếng không còn nước, nên cả làng phải rủ nhau xuống sông Ayun lấy nước để ăn uống.  Biết là nước sông mất vệ sinh nhưng vẫn phải dùng thôi”.

Nguy cơ hạn hán kéo dài

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm 2016 là năm sẽ xảy ra tình trạng hạn hán mạnh. “So với năm 1997, thì lượng mưa năm 2015 các tỉnh Bắc Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 70%. Chắc chắn năm nay hạn hán sẽ nặng hơn năm 1998 bởi nhu cầu sử dụng nước hiện tại nhiều hơn nên ảnh hưởng trầm trọng hơn”-ông Trần Trung Thành-Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết.  

Cũng theo ông Trần Trung Thành, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn mọi năm khoảng 20 ngày, lượng mưa trung bình cũng chỉ bằng khoảng 50-70% so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó nhiều khả năng mùa mưa năm 2016 sẽ tới muộn. Dự báo lượng mưa ở vùng phía Bắc Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Trong quy định chỉ có 3 cấp rủi ro về hạn hán, hiện tại Tây Nguyên đang ở cấp độ 1, riêng khu vực Gia Lai thì đang ở cấp 2. “Nếu trong tháng 3 và tháng 4 tới tiếp tục không mưa, hoặc mưa ít thì nguồn nước sẽ thiếu hụt ảnh hưởng trực tiếp đến các loại cây trồng chủ chốt của vùng Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu… chắc chắn thiệt hại lớn sẽ xảy ra”-ông Thành nhận định. Hiện tại người dân có thể “gắng gượng” tìm nước tưới cho cây trồng nhưng những tháng tới nguồn nước từ các hồ đập lớn sẽ cạn kiệt, mạch nước ngầm thiếu hụt.

Theo ông Thành, để các tỉnh chủ động có biện pháp đối phó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên đã có những bản tin dự báo khô hạn 5 ngày/lần gửi cho các tỉnh và đăng trên website của cơ quan để các địa phương, người dân nắm bắt, từ đó chủ động trồng lúa, hoa màu phù hợp, hạn chế gieo trồng ở những vùng không đảm bảo nguồn nước.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm