Loãng xương gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới nên dễ khiến cánh mày râu chủ quan. Tuy nhiên, đây được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì bệnh có thể bắt đầu từ nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng.
Bệnh loãng xương thường bắt đầu từ nhiều năm trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. |
Loãng xương là tình trạng mà ở đó các mô xương dần bị suy thoái khiến mật độ xương ngày càng giảm. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh là xương bắt đầu xuất hiện vết nứt. Lúc đó, đã quá muộn để khôi phục lại sức khỏe của xương.
Nhiều trường hợp bị loãng xương ở nam giới không được chẩn đoán kịp thời do sự chủ quan. Điều này có thể do nhiều người nghĩ rằng loãng xương chỉ xuất hiện ở phụ nữ.
Theo Viện quốc gia các bệnh về khớp, cơ xương và da của Mỹ (NIAMS), bệnh loãng xương có thể xuất hiện do mật độ xương suy giảm của tuổi già. Ngoài ra, lối sống và một số yếu tố khác cũng khiến một người có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người khác.
Trong đó, các yếu tố góp phần đáng kể khiến nam giới bị loãng xương là: hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều, ít hoạt động, chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D.
Ngoài ra, các bệnh về phổi và từng uống một số loại thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt, trị bệnh thủy đậu cũng có thể khiến nguy cơ bị loãng xương gia tăng ở nam giới.
Với nam giới từ 19-70 tuổi, lượng canxi cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là 1000 mg, trong khi vitamin D là 600 IU (đơn vị quốc tế đo lượng vitamin D hấp thụ vào cơ thể). Khi đã qua 70 tuổi, lượng canxi phải là 1200 mg/ngày, còn vitamin D là 800 IU/ngày.
Các nghiên cứu của Trường Y Harvard (Mỹ) cho thấy nhiều nam giới không nạp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết như khuyến cáo. Do đó, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D là rất cần thiết. Những thực phẩm đó gồm: sữa, sữa chua, phô mai, các loại rau lá xanh và các loại ngũ cốc, yến mạch.
Ngoài ra, nam giới có thể giảm nguy cơ loãng xương bằng cách tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá, rượu bia vừa phải hoặc tốt nhất là bỏ hẳn rượu bia.
Ngọc Quý/thanhnien