Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Nguy cơ vệ tinh 'chết' của Mỹ rơi trúng người trên mặt đất ở mức nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một vệ tinh đã hết hạn sử dụng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chuẩn bị rơi trở lại khí quyển vào sáng 20.4 (giờ Việt Nam) và xác suất rơi trúng người gây tử vong đang ở mức 1/2.467.
Vệ tinh RHESSI được phóng lên quỹ đạo trái đất năm 2002. Ảnh: NASA

Vệ tinh RHESSI được phóng lên quỹ đạo trái đất năm 2002. Ảnh: NASA

Tờ The New York Post hôm 18.4 dẫn thông tin từ NASA cho biết vệ tinh RHESSI sẽ tiến nhập khí quyển vào 8 giờ 30 sáng 20.4 (giờ Việt Nam) sau 2 thập niên quan sát vết lóa mặt trời.

Trong khi phần lớn vệ tinh sẽ bị đốt cháy trong quá trình xuyên qua khí quyển địa cầu, một số phần của nó vẫn có thể thoát khỏi vận mệnh bị thiêu hủy và rơi xuống đất.

Theo NASA, nguy cơ phần còn sót lại của vệ tinh RHESSI rơi trúng và gây tử vong ở người trên mặt đất khá thấp, ở mức 1/2.467.

Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học và vật lý học thiên thể của Trung tâm Harvard–Smithsonian về Vật lý học Thiên thể (Mỹ), cho hay hiện vẫn chưa thể xác định điểm rơi của xác vệ tinh.

Được phóng lên quỹ đạo thấp của trái đất năm 2002, vệ tinh RHESSI có nhiệm vụ quan sát vết lóa mặt trời và những vụ phun trào vành nhật hoa nhằm hỗ trợ nỗ lực điều tra của các nhà khoa học về tính chất vật lý của hoạt động bùng nổ năng lượng của mặt trời.

Sử dụng thiết bị quang phổ hình ảnh, vệ tinh RHESSI ghi nhận tổng cộng 100.000 sự kiện tia X cũng như tia gamma. Nhờ vệ tinh RHESSI, NASA có được hình ảnh đầu tiên về tia gamma và tia X của vết lóa mặt trời.

Cho đến khi ngừng hoạt động năm 2018 vì xảy ra trục trặc trong việc kết nối liên lạc giữa vệ tinh và trạm chỉ huy mặt đất, vệ tinh góp phần vào những khám phá liên quan đến hình dạng của mặt trời và những vết lóa tia gamma trên địa cầu (chỉ những tia chớp xuất hiện bên trên các cơn bão sấm chớp của trái đất).

Có thể bạn quan tâm