Cụ thể vụ việc, vào khoảng 21 giờ ngày 8-1, P.G.B và P.Đ.T (cùng 14 tuổi, trú xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mang theo 1 lọ đựng lưu huỳnh và 1 lọ đựng KClClO3 (mỗi lọ khoảng 20-30g) đến nhà Đ.N.H cùng xã để cùng nhau chế tạo pháo.
Không may, pháo nổ khiến T bị thương nhẹ, B. và H. bị đa chấn thương phải nhập viện cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong đó, H. bị đa chấn thương với hàng chục vết thương, trong đó có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Còn B. bị nhiều vết thương trên khắp cơ thể, trong đó có vết thương tại ngực, bụng. Bệnh nhân B. được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân bị dập nát tay do pháo nổ tự chế. Ảnh nguồn Báo Lao Động |
Theo Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, tính riêng trong tháng 12, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn pháo nổ. Trong đó, có 1 em học sinh 14 tuổi người Gia Lai là T.T.T. nhập viện trong tình trạng bị vỡ nhãn cầu trái, dập nát bàn tay phải, có nhiều vết phỏng độ 2-3 tại ngực, cổ, chân. T. đã được phẫu thuật lấy dị vật ở nhãn cầu, cắt lọc vết thương bị dập nát; tháo khớp, cắt mỏm cụt ngón tay 1, 2, 3 của bàn tay phải.
Trước đó, tại Hà Nội cũng có 1 trường hợp học sinh 14 tuổi bị thương nặng do pháo nổ. Theo gia đình kể lại, học sinh này tự ý mua pháo trên mạng về tự chế. Trong lúc cầm vật liệu nổ ở lòng bàn tay thì tai nạn bất ngờ xảy ra khiến dập nát bàn tay phải và tổn thương nông nhiều vùng cơ thể. Kết quả chụp X-quang cho thấy bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay I, gãy nền đốt ngón tay V, gãy đốt 2 và ngón III.
Hiện nay, các clip hướng dẫn chế tạo pháo nổ tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là mối nguy nếu các em học sinh không được kiểm soát kịp thời, tự ý mua nguyên, vật liệu, hóa chất về chế tạo pháo. Vì thế, gia đình, nhà trường cần tích cực tuyên truyền, răn đe, ngăn chặn nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc như trên.