(GLO)- Chuyển trường từ Sài Gòn ra, ngày đầu tiên vào học lớp đệ tứ ở Trường Tư thục Bồ Đề (nay là Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku), tôi gặp Nguyễn Hậu ngay cổng, sơ mi body, quần pat loe hết cỡ cộng thêm mái tóc trùm kín gáy. Bộ dạng ấy không thể không làm tôi để ý, để ý mà chẳng dám nhìn thẳng; một gã hippy không lẫn vào đâu được như thế thì dễ lắm phải đối mặt với sự nổi loạn bất tử mà ăn đòn vì tội “kênh sport”. Tôi lại học trên Hậu một lớp nên cũng ít cơ hội giáp mặt.
Nhạc sĩ Nguyễn Hậu. Ảnh: N.S |
Gần Tết năm ấy, các lớp đua nhau tổ chức liên hoan Tất niên. Bỗng nghe “Oye Como Va” sôi động vọng ra từ lớp Hậu, nhìn vào thì đúng là Nguyễn Hậu với ngón lead guitar điệu nghệ mang dáng dấp và đầy chất Carlos Santana. Dân chơi thời thượng đắm mình trong nhạc thời thượng cũng chẳng lạ, nhưng phải thừa nhận anh chơi guitar rất tuyệt. Cuối năm học, tôi được điều động tham gia một tiết mục văn nghệ liên lớp với bài hợp xướng LY. Thì ra, Nguyễn Hậu chính là tác giả, tập luyện và điều khiển tiết mục hơn 50 ca sĩ với 3 bè. Lần này thì thật sự tôi đã tròn xoe mắt, nghe LY, từ giai điệu cho đến ca từ người ta khó có thể nghĩ đó là tác phẩm của một cậu học trò mười sáu tuổi.
“Mưa buồn mưa ướt đường đi. Mắt khô dòng lệ sầu ơi mắt buồn. Trên vai gầy... trên vai gầy.../có những tiếng hát nối dài quặn đau/xin làm muôn kiếp về sau/Để nghe tiếng hát khóc sầu chia ly...”. Có thể nói LY là khởi đầu cho một tình bạn đã kéo dài cho đến bây giờ, vừa đúng nửa thế kỷ giữa tôi và Hậu.
Học xong, cuộc sống của Hậu không suôn sẻ. Càng vật lộn bươn chải lo toan cho đứa con đang lớn thì ý nhạc càng tuôn chảy. Vậy nhưng đến giờ nếu được hỏi về số lượng sáng tác, sẽ chẳng có câu trả lời chính xác bởi rất nhiều bản nhạc được ký âm đã theo thời gian mà thất bổn. May là vẫn còn đó trên 200 ý nhạc dưới dạng bản thảo cùng hơn 100 trang giao hưởng ăm ắp chất liệu Tây Nguyên. Trong đời Hậu đã vài lần, kể cả từ rất sớm định bỏ phố núi mà đi, cái lần đầu tiên ấy được ghi dấu trong “Lời chim bỏ núi”, phổ thơ Hoàng Trần, một nhà thơ cùng lứa, đã có thơ ra mắt công chúng cũng ở độ tuổi “trăng rằm”. Cặp thơ nhạc này khá ăn ý cho đến tận bây giờ. “Lời chim bỏ núi” là một trong những ca khúc đem lại cảm xúc mạnh cho ai đã từng nghe: “Thôi nhé anh đi, đừng nhìn anh nữa. Nước mắt em làm trơn ướt không gian... Mưa tạnh rồi mưa, mưa mãi chưa tàn. Anh cắn chặt môi mình rướm máu...”.
Không giới thiệu, không phổ biến, không tự ca ngợi chắp cánh-đó chính xác là cách Nguyễn Hậu cư xử với tác phẩm của mình. Khi tôi còn làm biên tập cho một chương trình âm nhạc cuối tuần ở thành phố này, mọi đề nghị về một đêm nhạc riêng cho Nguyễn Hậu đều bị anh thẳng thừng từ chối. Ngay cả “Mù sương phố núi”, một CD được thực hiện cách đây 8 năm cũng hoàn toàn do áp lực căng thẳng của bạn bè và từ chính những đứa con đã thành đạt của vợ chồng anh. Nhưng niềm đam mê âm nhạc và tài năng của Nguyễn Hậu đã chẳng giấu được ai. Ở Pleiku, trong giới hoạt động có liên quan đến âm nhạc, không ai là không biết anh, hầu hết gọi anh là thầy và dành cho anh tình cảm trân trọng vì Nguyễn Hậu hết sức phóng khoáng trong truyền dạy kiến thức, tư duy và kinh nghiệm. Anh lặn lội đi dạy đã 20 năm nay, mà cũng khó lắm để được làm học trò của kẻ “lập dị” này. Yêu cầu cấp tốc sau một tháng phải chơi được đàn thì thù lao có cao mấy cũng chỉ nhận được từ thầy Nguyễn Hậu cái lắc đầu. Anh lên án con đường “ăn xổi ở thì” của nhiều người khi đến với âm nhạc. Ấy vậy mà cứ hàng tuần 2 buổi, dù nắng hay mưa, anh đều đặn cày vài chục cây số đến với mấy học trò ở huyện, bởi: “Tụi nó đam mê nhạc như mình, đam mê thực sự nên không bỏ được chứ tính học phí thì chẳng bõ tiền xăng”.
Với âm nhạc, Nguyễn Hậu hay nói về thân phận trong tình yêu vĩnh hằng, như là một cố gắng để nuôi dưỡng hạnh phúc. Đồng cảm với Nguyễn Hậu là ca từ của các bạn thơ nhạc như: Hoàng Trần, Hàn Dã Thảo, Phạm Trần Tú, Lý Kiềm Kiệm... Nguyễn Hậu có thể đã nổi tiếng, nhưng anh đã từ chối mọi thứ để âm nhạc của mình đến với mọi người một cách giản dị, tự nhiên nhất. Chừng ấy thời gian, sương núi bao quanh cuộc đời, những hạt mong manh, bay loanh quanh. Sương đâu chỉ làm long lanh sợi tóc, sương cũng có khi thấm ướt hình hài trong những xoay xở nhọc nhằn của đời thường. Mù sương, như một định mệnh đã gắn chặt cuộc đời Nguyễn Hậu cùng phố núi.
Nguyễn Sơn