Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Kiên Hữu, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết chảy máu mũi thường xảy ra vào mùa lạnh và ở những địa phương có độ ẩm thấp, làm khô niêm mạc mũi. Ngoài ra, khi trời lạnh, nhiều người sưởi quá nóng cũng làm khô và hư niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, có khoảng 60-70% người trưởng thành bị chảy máu mũi ít nhất một lần trong đời. Trong số đó, 6% chữa hết bằng các biện pháp không phẫu thuật và có 1,6/10.000 trường hợp phải nhập viện. Chảy máu mũi thường ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng với trẻ từ 3 - 8 tuổi lại là nhóm có nguy cơ cao nhất.
Dù tiêu chuẩn phân định không rõ ràng nhưng chảy máu mũi thường được chia thành chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Chảy máu mũi trước xảy ra ở thanh thiếu niên thường do chấn thương (cạy mũi) và do tiếp xúc với môi trường nóng, khô. Chảy máu mũi sau thường xảy ra ở người trên 50 tuổi; ở nhóm tuổi dưới 50, đại đa số là nam giới và một số nữ giới do có hiện tượng giảm sút estrogen.
Những nguyên nhân thường gặp của chảy máu mũi
Bên cạnh một số trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng, nguyên nhân chảy máu mũi được chia làm 2 nhóm là tại chỗ và toàn thân.
Các yếu tố tại chỗ: Chấn thương (ngoáy mũi), dị vật (chảy dịch thối một bên), phẫu thuật mũi xoang hay mắt, phản ứng viêm (ví dụ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm xoang mạn tính, các kích thích do môi trường), các thuốc xịt (cocaine), u trong hốc mũi lành hay ác tính (ở trẻ em hay gặp polyp mũi, thoát vị màng não, hay u thần kinh đệm), độ ẩm thấp (nhất là trong mùa đông lạnh), khí dung (steroids)...
Các yếu tố toàn thân: Các bệnh nhiễm trùng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh Willebrand (một bệnh chảy máu có tính di truyền), bệnh rối loạn đông máu (hemophilia), u ác tính, các bệnh gan, suy tim, giảm tiểu cầu, hóa trị, thiếu máu, suy tim, thiếu sinh tố C và K, dùng thuốc aspirin, warfarin, các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống dị ứng.
Phát hiện và xử trí chảy máu mũi
Tùy theo tình trạng máu mũi chảy trước hay sau mà có cách xử lý khác nhau. Với trường hợp máu mũi chảy phía trước thì lượng máu xuống họng (nếu có) rất ít, máu chủ yếu chảy ở một bên mũi, khi bóp chặt hai bên cánh mũi, máu sẽ ngưng chảy hoặc lượng máu chảy ra sẽ giảm hẳn. Trong trường hợp này, người bệnh có thể bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm mại, không bóp trên phần xương sống mũi). Với biện pháp này, đại đa số trường hợp sẽ có thể làm ngưng chảy máu sau 10 - 12 phút.
Người bệnh có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu. Sau khi đã dùng các biện pháp trên, nhưng mũi vẫn còn chảy máu nên đến các cơ sở tai mũi họng gần nhất để được khám và xử trí thích hợp.
Với trường hợp chảy máu mũi sau, thì lượng máu chủ yếu đi xuống họng, máu chảy ở cả hai bên mũi, máu mũi chảy lượng nhiều, máu không ngừng sau khi đã áp dụng biện pháp như ở máu chảy mũi trước. Với trường hợp này người bệnh nên đến cơ sở tai mũi họng gần nhất để được khám và xử trí thích hợp.
Để phòng ngừa chảy máu mũi trong mùa lạnh, bác sĩ Hữu khuyến cáo người dân không ngoáy mũi, cạy gỉ mũi, nhổ lông mũi, không xì mũi mạnh; ăn uống đủ chất, đặc biệt tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, vitamin K trong chế độ ăn uống; uống nhiều nước, luôn đeo khẩu trang để bảo vệ mũi khi ra khỏi nhà; không hút thuốc lá, tiếp xúc hóa chất độc hại và các tác nhân gây dị ứng...
Theo Lê Cầm (TNO)