TN - Đất & Người

Nguyễn Thị Thu-Lái công nông đi làm rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình ảnh chị Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) điều khiển chiếc công nông một cách điêu luyện trên đường đã tạo ấn tượng khá mạnh đối với chúng tôi. Càng ấn tượng hơn khi biết chị chính là bà chủ của gần chục ha cà phê, một vườn cây ăn trái và hơn 10 ngàn trụ hồ tiêu, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Lái xe công nông là việc chẳng mấy dễ dàng, nhất là với phụ nữ. Thế nhưng, với chị Nguyễn Thị Thu thì đây là việc quá đỗi bình thường. Do đặc thù địa hình đồi núi Tây Nguyên nên việc làm rẫy khá vất vả, nhất là đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón; chồng chị lại đi làm xa nhà; vì vậy, chị Thu quyết tâm học lái công nông. “Ban đầu học cũng rất khó, nhất là lúc lùi hoặc cua xe nhưng sau thì quen dần, đến giờ lái đi rẫy cứ như đi chợ vậy”-chị Thu dí dỏm trả lời trước sự ngạc nhiên của chúng tôi.

 

Chị Nguyễn Thị Thu đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: L.L
Chị Nguyễn Thị Thu đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: L.L

Chúng tôi càng phấn khích hơn khi theo chị Thu ra thăm rẫy. Nhìn những cây cà phê xanh mướt đến những trụ hồ tiêu trải dài bất tận thì ai cũng phải thán phục. Bởi lẽ, trong khi nhiều địa phương, thậm chí “thủ phủ” hồ tiêu Chư Sê đang lâm vào tình cảnh khốn đốn thì vườn hồ tiêu của chị vẫn bật lên sức sống mãnh liệt. Nhờ biết tận dụng điều kiện đất đai sẵn có cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên rẫy cà phê, hồ tiêu của chị phát triển tốt, 8 ha cà phê của chị cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Đặc biệt, với khả năng nhanh nhạy, thích ứng thị trường, khi thấy cách trồng hồ tiêu truyền thống bất ổn, chị đã nhanh chóng chuyển sang canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ. “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu hữu cơ trên thị trường rất lớn, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ… Hơn nữa, mặt hàng này giữ giá cao và ổn định nên gia đình đã đầu tư trồng 10.000 trụ theo hướng hữu cơ. Hiện đã có 2.000 trụ cho thu hoạch, 3.500 trụ thu bói”-chị Thu chia sẻ. Ngoài ra, chị Thu còn trồng thêm vườn cây ăn trái gần cả héc-ta gồm: bơ, sầu riêng, chuối, xoài…vừa đa dạng cây trồng, vừa tạo việc làm cho 20 nhân công.

Vừa nhanh tay hái những chùm hồ tiêu mẩy hạt, chị Nguyễn Thị Chim, một nhân công thu hái (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi gặp khó khăn, chồng mất để lại một khoản nợ lớn. May nhờ chị Thu nhận cả 3 mẹ con tôi vào làm nên thu nhập cũng khá, nợ dần được trả, con trai lại có việc làm thường xuyên nên cuộc sống hiện đã ổn định”. Với giọng nói tràn đầy sự biết ơn, chị H’Yong (làng Đê Hót, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Chúng tôi rất yên tâm khi làm việc cho chị Thu. Dù giá hồ tiêu đang xuống thấp nhưng chị Thu vẫn trả công đầy đủ với 180.000 đồng/ngày”. Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, đôi tay chị vẫn thoăn thoắt. Dù đã gần 50 tuổi, song sức làm việc của chị vẫn chẳng thua gì so với lớp trẻ.

Theo bà Huỳnh Thị Hoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Yang, trong xã cũng có vài người phụ nữ biết lái xe công nông nhưng năng động như chị Thu thì hiếm lắm. “Chị Thu là gương điển hình về làm kinh tế giỏi của xã. Chồng đi làm xa, chị một mình vất vả lo việc gia đình, từ việc ở rẫy đến nuôi dạy con cái học hành thành đạt. Đồng thời, chị còn rất nhiệt tình tham gia, ủng hộ các phong trào hoạt động của Hội, rất nhiều chị em phụ nữ được chị Thu giúp đỡ, tạo việc làm và thu nhập ổn định”-bà Hoa nhận xét.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm