Chính trị

Tin tức

Nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo tài liệu của Tỉnh ủy Nam Định, đồng chí Lê Đức Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông là một trong những nhà cách mạng thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sớm tham gia cách mạng, ông là thành viên Đông Dương Cộng sản Đảng từ năm 1929. Tháng 11-1930, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm khổ sai, đày ra nhà tù Côn Đảo. Trong lao tù thực dân, ông được cử làm Bí thư Chi bộ và Thường vụ Chi ủy nhà tù. Sau này, ông còn bị giam cầm nhiều năm ở nhà lao Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình.
Tháng 9-1944, thoát khỏi nhà tù thực dân, ông được giao phụ trách công tác khu an toàn của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ, sau đó được chỉ định là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 8-1945, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và được giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Năm 1948, ông vào miền Nam công tác và năm 1949 làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, sau đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, quan tâm chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được cử vào miền Nam sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1975, ông tiếp tục được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi miền Nam giải phóng (1975), ông được phân công làm Phó ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam.
Đồng chí Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (ảnh tư liệu).
Đồng chí Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (ảnh tư liệu).
Tháng 12-1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983, ông được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng. Năm 1986, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nói về công lao của đồng chí Lê Đức Thọ, chúng ta không thể không đề cập đến vai trò của một nhà ngoại giao quan trọng, góp phần vào thành công trên bàn đàm phán Paris năm 1973 yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Cũng với sự kiện quan trọng này, đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel hòa bình cùng với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nhưng ông đã từ chối.
“Tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình. Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ”. Đồng chí Lê Đức Thọ đã viết như thế trong bức thư trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI Synvana Foa ngày 15-3-1985.
Để vinh danh công lao, tên tuổi của đồng chí Lê Đức Thọ đã được đặt cho nhiều tuyến đường, trường học, công trình trên cả nước. Quê hương Nam Định tất nhiên có nhiều công trình lưu dấu tên tuổi nhà cách mạng tài năng, có khu lưu niệm về người cộng sản xuất sắc này. Gia Lai cũng có một con đường mang tên Lê Đức Thọ tại khu tái định cư xã Trà Đa (TP. Pleiku) dài chừng 1 cây số, quy hoạch khá bài bản.
Ngày tháng dần trôi song mỗi dịp kỷ niệm, chúng ta càng trân trọng, biết ơn sâu sắc công lao to lớn của nhà cách mạng Lê Đức Thọ. Tấm gương của đồng chí mãi còn với sự nghiệp của Đảng và dân tộc, trong hành trình đất nước đi tới phồn vinh, hạnh phúc.
THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm