Kinh tế

Tài chính

Nhà đầu tư khóc như mưa khi hàng trăm cổ phiếu rớt sàn thê thảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Bầu trời sụp đổ", "Thị trường này nghỉ chơi thôi"... là những lời than vãn của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán có phiên rơi gần 46 điểm.

Ngày 3.10, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc với hầu hết cổ phiếu bị bán mạnh ngay từ đầu phiên. Nếu như kết thúc phiên buổi sáng, VN-Index còn giữ được trên mốc 1.100 điểm thì bước sang phiên buổi chiều, đà giảm diễn ra mạnh hơn đẩy chỉ số đánh rơi luôn mức này. Ngay trước đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa, áp lực bán tháo xuất hiện khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, trong đó có GVR, VND, HCM, VCG, HPG, STB, BCM, MBB...
 

Gần 200 cổ phiếu giảm sàn khi bị bán tháo phiên 3.10. Ảnh Chụp Màn hình
Gần 200 cổ phiếu giảm sàn khi bị bán tháo phiên 3.10. Ảnh Chụp Màn hình


Đà giảm chậm lại trong đợt cuối nhưng chốt phiên, VN-Index vẫn mất 45,67 điểm, tương ứng bốc hơi 4,03% còn 1.086,44 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên mất 4,83% xuống 238,17 điểm. Với mức giảm hơn 4%, chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh nhất khu vực châu Á trong phiên 3.10. Hiện VN-Index đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Việc bán tháo hàng loạt cổ phiếu vào cuối phiên được xem là do các công ty chứng khoán thực hiện call margin khi nhiều mã đã giảm mạnh trong tuần qua. Các công ty chứng khoán sẽ chủ động bán chứng khoán của nhà đầu tư mà không cần phải hỏi ý kiến và có thể họ sẽ bán bằng mọi giá để thu lại tiền cho vay.

Trong rổ VN30, chỉ còn duy nhất cổ phiếu VIC vẫn ngược dòng tăng giá thêm 500 đồng lên 55.5000 đồng trong khi 11 mã giảm sàn và 18 mã còn lại chìm sâu trong sắc đỏ. Những cổ phiếu lớn đều lao dốc hết biên độ như MWG, BID, CTG, HPG, KDH, POW, STB, SSI, TCB...

Tổng cộng phiên này có gần 200 cổ phiếu bị giảm hết biên độ, nằm sàn la liệt. Dù vậy, dòng tiền vẫn thờ ơ đứng ngoài và thanh khoản sụt giảm so với cuối tuần qua. Tổng cộng chỉ có hơn 13.000 tỉ đồng được giao dịch trên cả 3 sàn.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đều có tâm lý bi quan và lo sợ cơn sóng dữ của thị trường có thể còn chưa dừng lại. Những lời than vãn lại xuất hiện như "Bầu trời sụp đổ", "Nghiêm túc mà nói thì thị trường vẫn còn căng lắm. Giờ ưu tiên trau dồi kiến thức và chạy grab", "Thị trường này nghỉ chơi thôi, không hy vọng gì. Đóng bảng 10 năm nữa quay lại"...

Theo Mai Phương (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm