Nhà Huế trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dọc theo quốc lộ 14 qua thôn Phú Hòa (xã Ia Le, huyện Chư Pưh), nằm xen lẫn với những căn nhà xây khang trang, rộng rãi là vài ngôi nhà gỗ đặc trưng xứ Huế. Những ngôi nhà ấy hầu hết được xây dựng từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, cùng gia chủ trải qua biết bao thăng trầm.
Năm 1979, ông Đoàn Sinh cùng 35 hộ gia đình từ huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến vùng đất Phú Hòa lập nghiệp. Khi ấy, nơi này rừng còn rậm rạp, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sinh sống tập trung theo từng vùng riêng biệt. Chân ướt chân ráo trên vùng đất mới, những người con xứ Huế lập lán trại tạm dọc theo quốc lộ 14, ngày ngày chăm chỉ làm lụng, xoay xở với miếng cơm, manh áo. “Ngày ấy đi làm kinh tế mới, nhiều người không xác định sẽ định cư mà chỉ nghĩ cố gắng kiếm tiền rồi quay lại quê hương. Vì thế cũng không ai tính đến chuyện làm một ngôi nhà kiên cố. Riêng tôi thì lại xác định đây sẽ là quê hương thứ 2. Do đó, năm 1982, tôi quyết tâm dựng nhà. Dần dần sau đó, mọi người mới bắt đầu làm theo. Một vài gia đình đã đổi sang nhà xây, riêng gia đình tôi vẫn không nỡ bỏ đi căn nhà mà mình đã dành bao tâm huyết, công sức để dựng nên”-ông Sinh chia sẻ.
 Ngôi nhà 3 gian 2 chái của gia đình ông Đoàn Sinh. Ảnh: Phương Linh
Ngôi nhà 3 gian 2 chái của gia đình ông Đoàn Sinh. Ảnh: Phương Linh
Ngôi nhà của ông Sinh được dựng theo kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Huế: 3 gian 2 chái với một cửa chính ở giữa, cửa sổ ở 2 bên, rộng chừng 120 m2, làm hoàn toàn bằng gỗ. Bước vào là phòng khách, phía sau là 2 phòng ngủ, một bên chái được dùng làm bếp, chái còn lại để thoáng đãng, làm nơi hóng gió. Toàn bộ ngôi nhà được giữ vững bởi 30 cột gỗ vuông chia làm 6 hàng. Các khung vì kèo kết nối với nhau hoàn toàn bằng mộng, chốt gỗ, tuyệt đối không dùng một cây đinh nào. Qua thời gian, nước gỗ từ màu vàng sáng đã chuyển màu đen bóng. Phần mái lợp ngói Phú Phong (Bình Định) cũng ngả màu rêu, đem lại cho ngôi nhà nét xưa cũ, trầm mặc. Qua hơn 35 năm, hầu như ngôi nhà của ông Sinh chưa phải sửa chữa lần nào, chỉ duy nhất một lần ông thay nền đất bằng gạch hoa cho sạch sẽ, mát mẻ.
Ông Sinh kể: “Ngôi nhà này đều tự tay tôi thiết kế, đẽo đục từng thân cột, xẻ từng miếng ván và nhờ anh em giúp đỡ ngày công mà dựng nên. Lúc ấy làm hoàn toàn bằng thủ công chứ không có máy móc hỗ trợ như bây giờ nên việc dựng nhà kéo dài đến 3-4 tháng ròng”. Theo ông Sinh, do thường xuyên sống ở nơi bị ngập lụt nên nhà của người Huế thường được làm cao cách mặt đất từ 20 cm đến 1 m. Tuy nhiên khi làm nhà trên cao nguyên thì không nhất thiết làm cao như thế nữa. Thêm một điểm đặc biệt nữa là ngôi nhà rất hài hòa không chỉ trong lối kiến trúc mà còn cả trong điều hòa nhiệt độ: mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Cũng vì lẽ đó mà nhiều gia đình mặc dù đã có của ăn của để, có dư khả năng để làm nên những ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn song vẫn chọn sống trong ngôi nhà gỗ xưa cũ.
Hiện tại, thôn Phú Hòa vẫn còn khoảng 5-6 ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái, 1 gian 2 chái. Giữa kiến trúc nhà ở ngày càng đa dạng, mới mẻ được xây dựng bằng nhiều vật liệu hiện đại, những ngôi nhà gỗ luôn phảng phất bóng dáng quê hương của những người con xa xứ.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm