Nhà tre nổi Việt 'đi trên mây' đến bảo tàng Hàn Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công trình nhà tre nổi của kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà được trưng bày trong triển lãm Đi trên mây, tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum (Leeum museum of Art), Hàn Quốc. Triển lãm khai mạc đúng vào ngày Quốc khánh của Việt Nam (2.9).

“Đây là lần đầu tiên tôi triển lãm pavilion kiến trúc trong một bảo tàng ở Hàn Quốc. Tôi thấy rất vinh dự khi được giám tuyển June Young Kwak gửi thư mời tham dự triển lãm đặc biệt Đi trên mây (Cloud Walkers) tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum cùng với các nghệ sĩ nổi bật khác ở châu Á như kiến trúc sư (KTS) Kengo Kuma, Kazuya Katagiri, Samson Young…”, KTS Đoàn Thanh Hà chia sẻ.

Triển lãm Cloud Walkers diễn ra từ 2.9.2022 - 8.1.2023. Ở đây, “đám mây” ám chỉ đến khí hậu, trí tưởng tượng và các siêu liên kết. Đám mây cũng là một phép ẩn dụ cho môi trường văn hóa - xã hội mới của thế kỷ 21 và đóng vai trò như một nền tảng ảo để chia sẻ vượt qua các ranh giới địa chính trị hiện tại. Đến từ nhiều nền tảng văn hóa khác nhau, nhóm nghệ sĩ mang đến những quan điểm mới mẻ và có tính phản biện đối với các vấn đề xã hội đương đại và tương lai chúng ta phải đối mặt.


 

Nhà tre nổi trong Bảo tàng Nghệ thuật Leeum. Ảnh: Leeum Museum of Art
Nhà tre nổi trong Bảo tàng Nghệ thuật Leeum. Ảnh: Leeum Museum of Art


Công trình của KTS Đoàn Thanh Hà mang tới triển lãm là một nhà tre nổi, mẫu nhà dành cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long mà ông phác thảo từ năm 2015. Đây là kiểu nhà 3 gian, dựng lên từ những thanh tầm vông hoặc tre, liên kết bằng chốt và dây buộc. Nhà nổi trên mặt nước nhờ hệ thống thùng phuy bằng nhựa buộc vào dưới sàn. Trong số này có một số thùng để dự trữ nước ngọt hoặc bể tự hoại. Mái lợp bằng vật liệu nhẹ như lá, ni lông, tôn, nhựa... “Tôi tin ngôi nhà sẽ giúp cho hàng triệu gia đình nghèo có thể sớm tạo dựng được chỗ ở ổn định và an toàn, thích ứng với kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu ở VN. Theo kịch bản đó, nước biển sẽ dần cao 1 m khiến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước”, ông cho biết.

Phiên bản nhà tre nổi ở Bảo tàng Nghệ thuật Leeum có những thay đổi so với phiên bản ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Hà gỡ bỏ tấm sàn trên tầng 2 để tạo nên một không gian thông thoáng cho cộng đồng. Nó cũng gợi nhắc đến nhà Rông. Ông Hà dùng cây guột (thuộc nhóm dương xỉ) để làm mái và tường bao. Phía trước là những chai nhựa tái sử dụng nhằm góp phần nêu cao ý thức không sử dụng những đồ dùng bằng nhựa mà cần thay thế bằng những vật liệu thân thiện môi trường khác.

Với trưng bày kiến trúc nhà tre nổi ở Hàn Quốc lần này, KTS Đoàn Thanh Hà khiến công chúng nghĩ đến việc kiến trúc Việt có thể đến với thế giới bằng các kỹ thuật bản địa, mà ông gọi là “sự thông thái từ quá khứ”. Trong đó, vật liệu có nguồn gốc tự nhiên thân thiện hoặc tái chế, kỹ thuật xây dựng kết hợp truyền thống hiện đại và kiến trúc phù hợp, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên, văn hóa - xã hội.

Ông Hà tâm sự: “Khi ở Seoul tôi có đến Bảo tàng Nghệ thuật thủ công Seoul và thấy loại áo mưa bằng vật liệu lá, có sự tương đồng lớn với kiểu áo tơi của VN. Mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng áo tơi tăng mạnh trở lại do điều kiện thời tiết biến đổi khắc nghiệt, áo tơi từ lâu vẫn được coi là “bảo bối” cho người dân Việt khi lao động ngoài trời. Kiến trúc ở góc độ nào đó có thể coi như cái áo bằng vật liệu thân thiên tạo nên thiên nhiên thứ hai (sau mẹ thiên nhiên gốc) cho con người sống trong nó”.

Theo TRINH NGUYỄN (TNO)

Có thể bạn quan tâm